Xã hội

Tràng Định (Lạng Sơn): Tập trung gỡ khó trong công tác giảm nghèo

Hoàng Nghĩa 30/08/2024 - 16:15

(TN&MT) - Triển khai công tác giảm nghèo, huyện biên giới Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn còn đối diện nhiều khó khăn, do tỷ lệ nghèo đa chiều cao, một bộ phận người dân còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.

Để hiểu rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà địa phương đang triển khai để giảm nghèo bền vững, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Quang Khải – Phó Chủ tịch UBND huyện.

PV: Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tràng Định đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa ông?

Ông Ngọ Quang Khải:

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên, cơ quan thành viên phụ trách từng nội dung cụ thể. Triển khai tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho gần 800 cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo cấp xã, thôn, khu phố, đại diện cộng đồng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 4 năm thực hiện các chương trình, dự án, đến nay, hạ tầng nông thôn, giáo dục, y tế, văn hóa… trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư đồng bộ, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Chỉ tính riêng từ năm 2023 trở lại đây, từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã xây dựng 28 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại 20 xã; cấp trên 19.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 1.750 người nghèo, cận nghèo khám chữa bệnh miễn phí; Hỗ trợ gạo cho trên 1.800 học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay có 55 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí là 2.200 triệu đồng; Triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 1.700 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn.

Nhờ đó, đến hết năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 751 hộ, tỷ lệ 4,34%; 1.418 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,2%; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 12,54%; tập trung giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã về đích nông thôn mới, xã xây dựng nông thôn mới…

screenshot_20240828_150430_facebook.jpg
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Tràng Định đã được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình.

PV: Có thể thấy, Tràng Định cũng đã đạt được một số kết quả khá nổi bật trong công tác giảm nghèo. Vậy dể duy trì kết quả đạt được, ông có thể thông tin rõ hơn những khó khăn, hạn chế mà địa phương đang đối diện?

Ông Ngọ Quang Khải:

Hiện nay, nguồn thu ngân sách huyện còn hạn chế, dẫn đến việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gặp khó khăn. Các mô hình kinh tế đã triển khai nhưng chưa thật sự nổi bật, hiệu quả chưa cao. Đáng lưu ý, trong 7 tháng đầu năm nay, kết quả phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện tăng trưởng âm, diện tích gieo trồng các loại cây giảm so với cùng kỳ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của nhân dân.

Trong thời gian qua, huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo, tuy nhiên chuyển biến nhận thức của nhân dân về giảm nghèo, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chưa cao. Vẫn còn một bộ phận hộ nghèo nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cá biệt có một số hộ không muốn thoát nghèo, làm hạn chế hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.

Tại các xã, thị trấn đã thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, song các bộ phận này chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong thực hiện giám sát cộng đồng. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện chủ yếu là hộ không có khả năng lao động, hộ có người ốm đau, bệnh tật, rất khó khăn để huyện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2024.

screenshot_20240821_132844_facebook.jpg
Ông Ngọ Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định.

PV: Bên cạnh những khó khăn, Tràng Định cũng được biết đến là địa phương có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, huyện đã xác định những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào cần triển khai thực hiện, thưa ông?

Ông Ngọ Quang Khải:

Nhằm tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chúng tôi xác định sẽ huy động mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vùng khó khăn từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo bằng những hình thức, nội dung phù hợp, để đưa các chính sách đi vào đời sống người dân, từ đó giúp họ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại đã tồn tại trong một thời gian dài.

Để kết nối vùng đã phát triển với vùng còn khó khăn, huyện cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn còn khó khăn, gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi…

Cùng với đó là tập trung triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao như quế, hồi, thạch đen… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

anh-3-1-.jpg
Một trong những giải pháp giảm nghèo mà Tràng Định đang tập trung thực hiện là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xây dựng các vùng sản xuất tập trung...

Chúng tôi cũng xác định tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; Phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn khó khăn…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràng Định (Lạng Sơn): Tập trung gỡ khó trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO