Trắng đêm trực gác chống sạt lở núi Hồng

Đức Nam| 07/08/2020 14:03

(TN&MT) - Nhiều ngày nay, do diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã gây ra ngập úng cục bộ và sạt lở đất đá tại khu vực chân bãi thải mỏ than Minh Tiến trên lưng chừng núi Hồng. Chính quyền huyện Đại Từ đã huy động các lực lượng di dân đi khỏi vùng nguy hiểm ngay trong đêm 6/8.

Khu vực chân bãi thải của mỏ than Minh Tiến trên lưng chừng núi Hồng, khoảng 9.000mđất đá, bùn lỏng đang có nguy cơ sạt lở rất cao.

Theo tin báo của quần chúng nhân dân xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về việc mưa lớn gần 100mm đã khiến núi Hồng “chuyển mình” khiến nhân dân lo sợ. Cụ thể, tại khu vực chân bãi thải của mỏ than Minh Tiến trên lưng chừng núi Hồng, khoảng 9.000mđất đá khu vực bên trên 3 bể lắng thuộc chân bãi thải của mỏ than Minh Tiến của Công ty Cổ phần Yên Phước, xóm Ao Soi, xã Na Mao, huyện Đại Từ bị sụt lún, sạt trượt với chiều dài trên 40m và lún sâu gần 1m. Trước đó, từ tháng 11/2019, tại khu vực nêu trên đã phát hiện có hiện tượng nứt đất, sạt trượt lớp đất mặt khu vực rừng sản xuất, các vết nứt đất rộng từ 0,5m đến 1,5m, dài từ 10 đến 50m, lún sâu vào lòng đất. Anh Vi Văn Lục có nhà ở chân núi Hồng, xóm Ao Soi, xã Na Mao phải khẩn trương di rời đi tránh nạn đã cho biết: Mưa nhiều, đất nhão, bùn lỏng từ dưới mặt đất đùn lên thành dòng chảy xuôi xuống chân núi. Nhiều vết đất đá mồ côi bị tụt lún cao hơn đầu người hướng về phía chân núi rất nguy hiểm. Nhiều vết nứt sâu vào lòng núi có chiều hướng mở rộng, thay đổi từng ngày. Gia đình rất lo sợ, sạt lở đất đá vùi lấp nhà cửa.

Nhiều rãnh sụt lún sâu vào lòng núi thành rãnh chảy của bùn đất, đá hướng lao xuống khu dân cư ở chân núi Hồng.

Bà Vi Thị Quang, trưởng xóm Ao Soi, ông Phó Văn Bình, công an viên xã Na Mao đã cho biết thêm: Chúng tôi theo dõi thường xuyên hiện tượng nứt, trượt đất đá trên núi Hồng thấy núi “cựa mình”, các mảng trượt càng ngày càng xé rộng và đất đá ngậm nước mưa vữa ra như cháo, rất có thể sạt trượt nhanh về hai khe núi hướng tới khu dân cư Ao Soi và Cây Thổ. Đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc tìm phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Ông Phạm Quang Anh (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch UBND huyện Đại Từ trực tiếp vào cuộc chỉ đạo thực hiện khẩn cấp các phương án di rời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm sạt lở đất đá.

Ngay khi hay tin nhân dân báo, tập thể lãnh đạo chính quyền huyện Đại Từ đã báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên cử đoàn công tác đến hiện trường thực hiện các biện pháp khẩn cấp di dân đến nơi an toàn. Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đã cho biết:  Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã thông báo cho lãnh đạo xã Na Mao và các hộ dân phía dưới chân bãi thải sơ tán, di dời ngay, ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, tổ chức lập chốt, ba-ri-e, cắm biển báo khoanh vùng rộng nguy hiểm sạt lở cấm người dân đi lại, canh tác trong vùng nguy hiểm.

Biển báo, rào chắn, ba-ri-e được dựng lên để cảnh báo khu vực nguy hiểm cho nhân dân biết.

Một số lán, chốt chặn các ngả đường dân sinh đã được dựng lên để trực gác 24/24 giờ đề phòng sạt lở đất đá.

Đồng thời, cắt cử lực lượng thường trực cả ngày, cả đêm tại khu vực có nguy cơ sạt lở mạnh. Vận động di rời 9 hộ dân với 36 nhân khẩu ở chân núi tại khu vực Cây Thổ, Ao Soi đến nơi ở tạm an toàn. Khi nào xử lý xong sụt sạt đất đá, không chế được nguy cơ sạt núi Hồng thì sẽ thông báo để người dân trở về nhà trong thời gian tới. Huyện đã chủ động liên hệ, phối hợp với mỏ than Minh Tiến cử người và máy móc tích cực san gạt phần đất có nguy cơ sạt trượt phía bãi thải của mỏ để giảm trọng lượng, giảm thiểu nguy cơ tụt đất khi mưa lớn kéo dài. Do thời tiết diễn biến phức tạp, trong nhiều ngày tới, huyện chỉ đạo các lực lượng trực gác nghiêm túc 100% quân số và theo dõi 24/24 giờ mọi diễn biến bất thường của khối đất lớn trên núi Hồng để có phương án ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.

Dòng nước đục, bùn lỏng từ trên núi Hồng đã chảy dài qua khu dân cư xuống cánh đồng.

Hiện nay, Nhiều dòng nước đục, bùn lỏng từ trên núi Hồng đã chảy dài qua khu dân cư xuống cánh đồng. Trời vẫn mưa to kéo dài nên việc sụt lún, sạt trượt đất vẫn đang tiếp diễn và nguy cơ cao có thể xảy ra trận sạt lở đất đá rất lớn. Trước mắt, để ngăn ngừa hàng nghìn khối đất đá sạt trượt đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống dưới chân bãi thải, tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương vào cuộc chỉ đạo giải quyết nhanh, dứt điểm mọi mối rạn nứt xuất phát từ bãi thải mỏ than Minh Tiến trên sườn núi Hồng. Theo thông tin từ địa phương cho biết thêm, từ khi xuất hiện vết nứt đất, sạt trượt đến nay, tổ công tác của huyện Đại Từ được thành lập, trong đó có đại diện công ty CP Yên Phước tham gia đã thống kê sơ bộ có 13 hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng (gồm 3 người già, 9 trẻ em). Trong 13 hộ này có 10 hộ dân có đất ở, nhà cửa, công trình phụ tạm trên đất, 3 hộ có đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 20ha bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt trượt đất đá. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 38 tỷ đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trắng đêm trực gác chống sạt lở núi Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO