Trạm Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) Phù Liễn, TP. Hải Phòng toạ lạc trên đỉnh núi cao 116 m so với mực nước biển, là công trình chính và là trụ sở cũ của Đài KTTV Phù Liễn (đã đổi tên thành Đài KTTV khu vực Đông Bắc). Nay toàn bộ Đài đã chuyển xuống dưới núi để thuận tiện cho công tác, nơi này chỉ còn duy trì các thiết bị với quy mô của một Trạm Quan trắc khí tượng.
Chuyện những “chiến binh” thầm lặng
Vừa đặt chân đến Trạm KTTV Phù Liễn, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hồng Lê.
Chị Lê có mái tóc ngang vai, dáng vẻ thanh thoát, khuôn mặt hiền hậu, ăn mặc giản dị gợi nên nét chất phác thường thấy của một nữ cán bộ kĩ thuật. Chị sinh năm 1969, tên đầy đủ là Trần Thị Hồng Lê, quê xã Thái Tân, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Là con nhà nòi (bố cũng công tác trong ngành KTTV), năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trung cấp KTTV Sơn Tây, chị Lê về Đài KTTV Đông Bắc công tác 31 năm tới bây giờ.
Chị Trần Thị Hồng Lê – Ghi nhật ký quan trắc tại Trạm KTTV Phù Liễn |
Nói về công việc của mình, chị Hồng Lê tâm sự, đối với quan trắc viên KTTV chỉ có hai yêu cầu, đó là gửi số liệu quan trắc về trung tâm “đúng giờ” và “chính xác”. Các thông số này được tập hợp từ nhiều trạm, lập biểu đồ, theo dõi theo dõi sự biến thiên, qua đó các “bác sĩ” của Trung tâm có thể chẩn đoán chính xác “bệnh” của Trời.
Thông thường, cứ 3 tiếng, quan trắc viên phải lấy thông số nhiệt độ, áp suất, tốc độ gió… một lần. Vào những ngày có giông, bão tần suất nhiều hơn, khoảng 30 phút các chị lại lấy số liệu một lần đề gửi về Trung tâm. Có như vậy, Đài mới có thể tập hợp dữ liệu từ tất cả các Trạm Quan trắc khí tượng để đưa ra thông tin dự báo kịp thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
“Công việc ghi số liệu tại Trạm thường làm theo ca một mình khá nhàm chán nên đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi quan trắc viên phải hiểu rõ trách nhiệm quan trọng của mình, vì nếu không có số liệu quan trắc chính xác và kịp thời, sẽ không cảnh báo được một hiện tượng thiên tai, gây nên những thiệt hại lớn về người và của”, chị Hồng Lê chia sẻ.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp KTTV, chị Lê ra Hải Phòng lập nghiệp. Khi về Đài Phù Liễn công tác, chị được bố trí công việc tại Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Dáu. Chính nơi đây, chị tìm được một nửa của đời mình.
Chồng chị Lê làm tại “nhà đèn” Hòn Dáu (Trạm Hải đăng Hòn Dáu). Cuộc sống của những cán bộ kỹ thuật như anh chị cũng không mấy khi dư dả, nhưng nhờ tài vun vén của chị, anh chị cũng mua được đất, xây dược nhà tại Hải Phòng. Hai anh chị có một người con trai đang học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Kể về kỷ niệm nhớ đời của mình tại Trạm Hải đăng Hòn Dáu năm 1990, chị Hồng Lê nhớ lại: Năm ấy, lúc 1 giờ đêm, đúng vào thời điểm lấy số liệu quan trắc để gửi về Trung tâm, có một cơn giông rất mạnh: “Khi chị vừa bước lên những bậc thang gỗ để trèo tới khu vực lấy số liệu quan trắc, bất chợt có một cơn gió rất mạnh hất bay xuống biển. Lúc đó một tay chị cầm gầu múc nước, một tay cầm đèn pin, đầu đội nón. Thời điểm đó mới lất phất mưa nên chị chủ quan, may sao số mình không chết. Chị rơi đúng khe chỗ Cột đo thuỷ triểu, đầu không đập vào đá. Sau đó, chị ngoi lên, vất đèn pin trong tay, bám vào thành bờ, nhưng nước trơn không bám nổi. Lúc đó chỉ cách nhà có mấy chục mét, chị cố gọi nhưng do không khí loãng không ai nghe được. May sao có ông thuyền chài đi bắt cua cứu. Chị ngâm mình dưới biển hơn 15 phút, tưởng mình sẽ chết, may là biết bơi và gặp người giúp…”
Sau hơn 2 năm công tác tại Trạm Hải đăng Hòn Dáu, chị Lê được cơ quan điều động về làm việc tại Trạm Radar thời tiết Phù Liễn. Gắn bó với Trạm gần 30 năm, chị coi nơi đây như ngôi nhà thứ 2. Thật may mắn cho chúng tôi được gặp chị, nghe chị kể về nhiều kỷ niệm vui buồn không thể quên tại Trạm, mở mang hiểu biết về nghề KTTV, hiểu thêm về cuộc sống của những “chiến binh thầm lặng” như chị.
Khi biết đoàn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tới thăm, anh Nguyễn Ngọc Minh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Hòn Dáu đã có những chia sẻ với chúng tôi.
Anh Minh là người đàn ông duy nhất tại Trạm. Mọi công việc cần sức khỏe của đàn ông đều do anh đảm nhiệm. Anh Minh có 20 năm công tác, dù còn trẻ nhưng anh đã kinh qua công việc tại nhiều Trạm KTTV của Đài KTTV Đông Bắc: Trạm KTTV Tiên Yên; Trạm KTTV Hòn Dáu; Trạm KTTV Cô Tô và bây giờ là Trạm KTTV Phù Liễn.
Anh Minh chia sẻ: Cũng là cơn bão nhưng sức bão trên Trạm KTTV Phù Liễn rất to, không giống dưới mặt đất. Những hôm có bão, cả Trạm 5 người phải cùng trực, nhiều lúc sét đánh ngang tai giật bắn người,nhưng nguy hiểm nhất là lúc đó vẫn phải ra ngoài lấy số liệu quan trắc.
Anh Nguyễn Ngọc Minh – Trưởng Trạm KTTV Phù Liễn |
“Để trưởng thành và trở thành những quan trắc viên KTTV là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện. Quan trọng hơn cả, mình phải có đam mê. Việc mình làm tuy thầm lặng nhưng lại có đóng góp lớn cho cộng đồng. Đối với người làm KTTV, mỗi bản tin dự báo thiên tai chính xác giúp cho người dân kịp chuẩn bị đối phó, bà con đi biển kịp vào bờ trú ẩn, các anh chị như thấy sức góp của mình trong đó, thêm tự hào về công việc, thêm dũng cảm trong những thời khắc thiên tai khắc nhiệt để kịp lấy số liệu quan trắc gửi về Trung tâm”, anh Minh tâm sự.
“Bắc kỳ Phù Liễn thị danh sơn”
Đài KTTV Phù Liễn được xây dựng năm 1902 bởi người Pháp với tên gọi là "Sở khí tượng và đài quan trắc trung tâm Đông Dương", là công trình có tầm vóc của một trung tâm khoa học sánh ngang với các cơ sở khoa học của các nước tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ như: Đài Khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines); Đài Khí tượng Tokyo (Nhật Bản). Đài nổi tiếng với câu đối: “Đông Pháp Thiên văn đại tổng cục, Bắc Kỳ Phù Liễn thị danh sơn.”
Từ năm 1902 đến 1945 với tư cách là trụ sở chính của Sở Khí tượng và Đài Trung tâm Khí tượng Đông Dương. Đài đã thiết lập lên mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng cao không, khí tượng nông nghiệp và khí tượng hải văn trải khắp từ vùng núi cao đến đồng bằng và hải đảo.
Các hoạt động về dự báo thời tiết, nghiên cứu khí hậu cũng được tiến hành và đã có những công trình phục vụ ứng dụng thiết thực trong đời sống và là tiền đề cho sự phát triển của ngành khoa học KTTV sau này như: Chế độ mưa ở Đông Dương của tiến sĩ Lecader xuất bản năm 1917; Khí hậu Đông Dương và bão ở biển Đông của Bruzon và Carton xuất bản năm 1930; Lịch thiên văn học của kỹ sư Nguyễn Xiển: Năm 1942 …
Cùng với sự đổi mới của đất nước theo chủ trương hiện đại hóa ngành KTTV, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của Bộ TN&MT và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mạng lưới quan trắc của Đài đã được đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị kỹ thuật chuyên môn hiện đại, tiên tiến phục vụ cho công tác Điều tra cơ bản và Dự báo KTTV…
Tháng 3/2019, tại TP. Hải Phòng, được sự ủy quyền của Tổ chức Khí tượng Thế giới, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ gắn biển công nhận Trạm Khí tượng trên 100 năm tuổi cho Đài Khí tượng Phù Liễn.
Đến nay, trải qua gần 120 năm với nhiều biến cố thời cuộc, Trạm KTTV Phù Liễn vẫn hiên ngang, sừng sững, cùng bao thế hệ nhà khoa học, kỹ sư và những quan trắc viên như chị Lê, anh Minh vẫn ngày đêm không ngừng nghỉ “khám bệnh cho trời”.
Từ Ngã năm Kiến An, TP. Hải Phòng rẽ vào đường Trần Thành Ngọ chừng 80m là cổng Rồng. Đi qua cổng này, men theo con đường nhỏ trải bê tông, uốn lượn vòng quanh núi Đẩu Sơn hơn 2km sẽ tới Trạm KTTV Phù Liễn.
Núi Đẩu Sơn được người dân địa phương quen gọi là Đồi Thiên Văn, cách trung tâm TP. Hải Phòng 8 km về phía Tây Nam. Đồi Thiên Văn là một địa danh gắn liền với những câu chuyện văn hóa - lịch sử tại TP. Hải Phòng. Tọa lạc giữa trung tâm quận Kiến An phồn thịnh, đối lập lại là khung cảnh yên bình với rừng thông mát mẻ trên đồi làm địa danh này thành “của hiếm” giữa bạt ngàn những nơi xô bồ khác. Bởi vậy có câu thơ “Kiến An có núi Ông Voi/Có sông Văn Úc, có đồi Thiên Văn” đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Kiến An nói riêng, người dân TP. Hải Phòng nói chung như minh chứng cho vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà chỉ vùng đất Kiến An mới có.