“Trái ngọt” từ chính sách giảm nghèo của Quảng Ninh
(TN&MT) - Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo về công tác giảm nghèo đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt, hiệu quả, giúp cho hàng ngàn hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, nhờ đó địa phương đã về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh xung quanh về vấn đề này.
Ông Lê Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả về giảm nghèo bền vững mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua?
Ông Lê Minh Sơn:
Trong những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo, như ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà, hỗ trợ tiền điện.
Để có được những trái ngọt trên hành trình giảm nghèo bền vững và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình này, chính là từ sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về công tác giảm nghèo của các cấp uỷ Đảng và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tạo đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là sự tham gia của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo, trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhiều tấm gương quyết tâm vươn lên thoát nghèo xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh.
Nhờ vậy, hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Phóng viên: Để có được kết quả nổi bật nêu trên, Quảng Ninh đã triển khai những cơ chế, chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Minh Sơn:
Có thể nói, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, quyết liệt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, Quảng Ninh đã lồng ghép các chương trình MTQG, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai nhiều chính sách riêng có của tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành: Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ về hộ nghèo không có khả năng lao động; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND quy định về cơ chế quản lý, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Quảng Ninh đã huy động hơn 2.403 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó mức hỗ trợ của tỉnh đối với Chương trình 135, Đề án 196 cho mỗi xã cao hơn 7 lần so với mức bình quân của trung ương. Qua đó nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều công trình dân sinh, công trình xã hội được đầu tư, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, giúp cho hàng nghìn hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phóng viên: Để giữ vững kết quả đã đạt được, thời gian tới, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu và giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
Ông Lê Minh Sơn:
Trước mắt, trong năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh; phấu đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%.
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Nghị quyết số 06 - NQ/TU đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn.
Định hướng đến năm 2030, các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, cũng như thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.
Các chính sách cho người nghèo được tỉnh Quảng Ninh và các ngành, địa phương thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, hơn 1.400 hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở; 21.658 lượt bệnh nhân khó khăn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chi phí khám chữa bệnh; cấp phát 403.608 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, 99.930 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, DTTS, xã đảo.