Lịch sử của CO2 trên Trái đất được lưu giữ trong các hóa thạch và phân tử cực nhỏ. Ảnh: Đại học St. Andrews |
Ông James Rae thuộc Đại học St. Andrews ở Scotland, Trưởng nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế vừa cho biết: "Nếu chúng ta cho phép việc đốt nhiên liệu hóa thạch tiếp tục phát triển, đời cháu của chúng ta có thể phải hứng chịu mức CO2 chưa từng thấy trên Trái đất trong khoảng 50 triệu năm, thời điểm mà cá sấu còn sống ở Bắc Cực".
Qua nghiên cứu lịch sử cổ đại của Trái đất, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã nhận thấy con người cần phải có hành động nghiêm túc để giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, ngăn chặn khí hậu ấm lên như mức của thời tiền sử khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng.
Nghiên cứu nhằm mục đích củng cố sự hiểu biết về mối liên hệ giữa CO2 và khí hậu, cho thấy mọi thứ đã thực sự thay đổi như thế nào kể từ thời điểm tồn tại cuối cùng của loài khủng long và hướng tới tương lai của Trái đất khi biến đổi khí hậu tiếp tục đe dọa hành tinh của chúng ta.
Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu về quá khứ, để ghép lại lịch sử đầy đủ nhất cho đến nay về mức độ carbon dioxide (CO2) trên Trái đất trong 66 triệu năm qua. Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các dữ liệu được thu thập trong 15 năm qua về mẫu bùn cổ đại từ đáy biển sâu. Những lõi bùn cổ đại này chứa các hóa thạch và phân tử rất nhỏ tích tụ theo thời gian, đồng thời chứa thông tin lưu giữ về nồng độ CO2 và tình trạng khí hậu trong quá khứ.
Do đó, những ghi chép về lịch sử khí hậu cổ đại đã giúp nhóm nghiên cứu có thể nhận thấy rõ mức CO2 theo thời gian. Điều này cho phép họ so sánh mức CO2 ngày nay với mức thời tiền sử, từ đó, nhận thức rõ thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu phải đối mặt với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt này.
Ông James Rae nhấn mạnh: "CO2 đã làm thay đổi bộ mặt của hành tinh chúng ta trước đây và nếu chúng ta không nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, điều đó sẽ quay trở lại. Mức CO2 cao như hiện nay đủ khiến băng tan để nâng mực nước biển lên 20m và đủ ấm để cây sồi phát triển trên Nam Cực".