Đến sáng 9/2, TPHCM đã phong tỏa 13 địa điểm liên quan đến các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN |
Tối 8/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, qua phân tích chuỗi lây nhiễm ở các BN 1979, 2002, 2003, 2004, 2005, Thành phố nhận định các trường hợp nhiễm mới (25 ca) là tiếp xúc gần F1 của các bệnh nhân trên cũng như là tiếp xúc gần (người nhà sống cùng) với các trường hợp cùng làm việc trong nhóm bốc dỡ hành lý và hàng hóa với 05 bệnh nhân tại một công ty phục vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất (6 nhân viên có xét nghiệm âm tính nhưng có người nhà dương tính). Đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty này.
30 ca nhiễm xảy ra tại 07 quận/huyện trong cộng đồng dân cư. Mặc dù chưa phát hiện lây nhiễm ở các nhân viên trong sân bay phục vụ có tiếp xúc với hành khách nhưng đây được xem là diễn biến ổ dịch khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị cũng như phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố. Thực hiện phòng chống dịch với phương châm: thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động. Nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.
Thực hiện nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca F1, F2, khoanh vùng dịch tễ, lấy mẫu diện rộng và có kết quả trong 24 giờ. Tất cả F1 cách ly tập trung, F2 cách nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Hoàn thành xét nghiệm lại lần 2 của toàn bộ 1.600 nhân viên làm việc tạo công ty bốc xếp vào tối 08/02. Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời tất cả các ổ lây nhiễm trong cộng đồng ở 06 quận/huyện.
Tiến hành lấy mẫu đơn tất cả các ca tiếp xúc gần F1, mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực lây nhiễm. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của BV 175. Sở Y tể chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp.
Để đảm bảo an toàn mức độ cao cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 1 ngày trước khi vào ca làm việc. Các ca có kết quả âm tính mới thực hiện nhiệm vụ trong ngày hôm sau. Chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân.
Đảm bảo dự trữ đầy đủ các test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan Y tế Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu trong 24 giờ. Thành phố sẽ cân nhắc và ra thông báo chính thức về vấn đề giãn cách xã hội tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cho đến nay, TPHCM đã phong tỏa 13 địa điểm là nơi cư trú của các bệnh nhân: 1. Khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 2. Thạnh Lộc 48, phường Thạnh Lộc, Quận 12 3. Thạnh Lộc 04, phường Thạnh Lộc, Quận 12 4. Khu phố 7, phường Hiệp Thành, Quận 12 5. Khu phố 5, Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân 6. Đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân 7. Hẻm 480, đường Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh 8. Đường Xô viết nghệ tĩnh, Phường 21, quận Bình Thạnh 9. Chung cư Felix 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận Gò Vấp 10. Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, phường 6, quận Gò Vấp 11. Đường Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình 12. Đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 13. Hẻm 441, đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức |
Thành lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống dịch tại TPHCM
Trong một diễn biến liên quan, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vừa diễn ra chiều nay 8/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Việc xuất hiện ổ dịch mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội cho thấy nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc khoanh vùng, cách ly, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng... nhanh chóng kiểm soát dịch, quyết không để lây lan rộng trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 hoặc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tương ứng với mức nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với một số khu vực cụ thể trên địa bàn.
Bộ Y tế chỉ đạo thành lập ngay Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh sớm kiểm soát ổ dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện việc thực hiện yêu cầu 5K, trước hết là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
b) Vận động hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ tang, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng cuối năm, đám cưới; dừng bắn pháo hoa nhân dịp năm mới.
c) Vận động hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp Tết, sinh hoạt tại chỗ…
d) Rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, sinh phẩm, công cụ, phương tiện, kể cả bệnh viện dã chiến), sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, có biện pháp thiết thực động viên kịp thời các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
đ) Các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng được chủ động quyết định các biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch; chuẩn bị kỹ lưỡng theo các kịch bản có thể xảy ra, sẵn sàng cho tình huống có đông người mắc bệnh. Các địa phương hiện đang có dịch phải tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.
e) Chỉ đạo thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đối với người ở các khu vực có nguy cơ cao; thường xuyên cập nhật, giao ban với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương phòng, chống dịch khi cần thiết.
Các Bộ liên quan và UBND các địa phương chỉ đạo sản xuất, cung ứng, không để xảy ra thiếu, khan hiếm các loại vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch và các loại hàng hóa phục vụ nhân dân. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa cần thiết bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh có dịch bệnh.
Các lực lượng chức năng như công an, quân đội, quản lý thị trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống xấu do diễn biến mới của dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dành thời gian cần thiết chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; xử lý kịp thời các kiến nghị của các địa phương./.