Trạm dừng nghỉ TP. Ninh Bình được xây dựng tại Km 267 trên QL 1B, đoạn qua phường Nam Thành với tổng kinh khí xây dựng là 11 tỷ đồng. Tất cả là nguồn vốn JICA Nhật Bản tài trợ 414.000 USD. Trạm được xây dựng với nhiều hạng mục như: nơi nghỉ ngơi thư giãn, bãi đỗ xe, gian trưng bày sản phẩm, hội trường, vườn hoa cây cảnh… có thể phục vụ cả trăm lượt khách.
Sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, đến nay trạm dừng nghỉ này đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” vì dường như không có khách. Trong khi đó, nhiều hạng mục tại trạm dừng nghỉ Ninh Bình không được sử dụng, duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo quan sát, tại Trạm dừng nghỉ hiện có nhiều hạng mục đã bị xuống cấp: nơi đậu đỗ cho các xe khách ra vào bị sụt lún nền, bê tông nứt thành nhiều mảng. Ngoài ra, một số vị trí trong khuôn viên trạm dừng nghỉ giờ đây được “biến hoá” thành gara sửa chữa ô tô Thành Đồng, chuyển phát nhanh, xưởng thu mua phế liệu, điện cơ…
Theo nhiều người dân sống gần trạm dừng nghỉ, Trạm dừng nghỉ TP. Ninh Bình được đưa vào sử dụng từ năm 2009, do Xí nghiệp Bến xe khách Ninh Bình trực tiếp quản lý hoạt động. Trong những năm đầu lượng xe, khách lưu thông nhiều và ổn định qua tuyến QL 1B vì tất cả các xe Bắc – Nam đều phải đi qua trung tâm TP. Ninh Bình nên lượng xe cũng như khách qua trạm khá động, thậm chí có thời điểm tăng cao.
Tuy nhiên, hơn 5 năm gần đây thì trạm luôn trong tình trạng vắng tanh. Tiền hỗ trợ đầu tư của Nhật Bản lớn như vậy mà hoạt động không có hiệu quả, không phát huy được hết năng lực, mục đích của dự án thì quá lãng phí.
“Nguyên nhân phần lớn là do từ tháng 12/2016 đến nay, tỉnh Ninh Bình thực hiện việc phân tuyến các loại xe khách, xe chạy tuyến cố định, nhiều xe khách không được chạy qua TP. Ninh Bình (nơi đặt trạm). Xe chạy tuyến cao tốc cũng không được qua trạm dừng nghỉ Ninh Bình. Mặt khác, đến đầu năm 2022 tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đi vào hoạt động càng khiến cho lượng xe cũng như khách ra vào trạm giảm mạnh”, một người dân phân tích.
Trao đổi với Phóng viên, bà Phạm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Tổ chức -hành chính, Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình cho biết: Tổng diện tích khu vực trạm dừng nghỉ là 15.000 m2, trong đó tích hợp các bến xe, cây xăng, trạm dừng nghỉ. Riêng trạm dừng nghỉ là do Nhật Bản quyên tặng người dân Việt Nam thông qua tổ chức JICA. Tỉnh Ninh Bình giao cho Sở GTVT và Sở giao cho Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình quản lý trạm dừng nghỉ đó.
Theo bà Hà, phần đất xây dựng trạm dừng nghỉ là đất của xí nghiệp thuộc đất thuê 49 năm, xí nghiệp thực hiện san lấp, giải phóng mặt bằng… còn Nhật Bản chỉ tặng nhà dừng nghỉ. Theo các chức năng, đơn vị vẫn được kết hợp để khai thác làm chuyển phát nhanh, gara sửa chữa ô tô… Tất cả hạng mục khai thác đằng sau là của Xí nghiệp được UBND tỉnh Ninh Bình cho phép đầu tư.
Thế nhưng, do trạm đi vào hoạt động từ lâu và lượng khách giảm đáng kể nên không có chi phí duy tu, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục bị xuống cấp như nền nhà bị lún Xí nghiệp phải lát lại, sơn lại tường do bị bong tróc…
“Trước khi đưa vào khai thác, khi tài trợ vốn xây dựng, JICA Nhật Bản đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn rất kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của trạm dừng nghỉ. Bên cạnh đó, JICA còn thực hiện tuyên truyền quảng bá rộng rãi về trạm dừng nghỉ để thu hút khách”, bà Hà cho biết thêm.
Mặc dù vậy, sau gần 10 năm hoạt động, đến nay trạm dừng nghỉ TP. Ninh Bình đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng đầu tư?