Khu vực Cồn Hến nằm giữa sông Hương được quy hoạch thành khu du lịch- nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng đến nay vẫn đang dẫm chân tại chỗ |
Là một vùng đất nổi giữa dòng sông Hương, Cồn Hến có vị trí “đắc địa” trong mắt của nhiều chuyên gia, kiến trúc sư về quy hoạch du lịch. Từ năm 1998, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 214/QĐ-UBND quy hoạch khu vực Cồn Hến với diện tích 26,4 ha để xây dựng thành khu du lịch- dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, từ khi có quyết định quy hoạch đến nay đã gần 20 năm, dự án này vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”, khiến đời sống của hơn 750 hộ dân sống trong vùng quy hoạch gặp không ít khó khăn.
Từ dự án quy hoạch này, nhiều hộ dân sống trong khu vực Cồn Hến đã không được xây dựng nhà mới, không dám mở rộng hay xây dựng khu vực kinh doanh. Bởi trong đầu họ luôn lo lắng rằng “nếu mở rộng kinh doanh, chỉnh trang nhà cửa mà đến khi bị giải tỏa, di dời thì kinh phí như đổ sông đổ bể”. Một số gia đình, do nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, nên đã mạnh dạn xây mới để tránh mùa mưa lụt nhưng chiếm tỷ lệ rất ít.
Trong nổi lo lắng, bà Tống Thị Bé (67 tuổi, tổ dân phố 19 ở Cồn Hến) kể rằng, từ khi có quyết định quy hoạch năm 1998, tôi cùng nhiều người dân trong khu vực này rất phấn khởi vì sự phát triển của quê hương, nếu Cồn Hến trở thành khu du lịch. Thế nhưng đến đây, dự án này vẫn không động tĩnh gì, khiến cuộc sống của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Những ngôi nhà tạm bợ của người dân ở Cồn Hến do nằm trong vùng quy hoạch “treo”. |
“Gia đình tôi không dám mở rộng, xây dựng nhà cửa, chỉ khi nào hư hỏng quá nghiêm trọng thì mới sửa. Nhiều khi cũng muốn xây thêm tầng lầu và xây nhà cho vợ chồng con trai ra ở riêng, nhưng suy nghĩ mãi rồi lại thôi vì sợ xây xong lại phải di dời thì tốn công sức, tiền bạc. Một số hộ gia đình ở đây nhà hư lắm rồi, nhưng họ vẫn gắng sống chứ không dám vay mượn để xây dựng”- bà Bé lo lắng.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Mai (61 tuổi) thì kể rằng đã mấy lần có cán bộ đến đo đạc đất đai, kiểm đếm cây cối trong vườn và chụp ảnh hiện trạng nhà ở của nhiều gia đình trong khu vực này. Nhưng chờ năm này qua năm khác, vẫn không thấy thông báo gì về việc giải tỏa dân cư. “Chú xem! Nhà tôi nứt khắp nơi, chúng tôi chỉ biết kêu thợ về vá lại thôi, chứ xây mới thì không thể. Vào mỗi mùa lụt, nhà thấp nên nước dâng cao đến cửa sổ, nhiều đồ dùng trong nhà không thể đưa lên cao khiến hư hỏng tất cả. Không biết dự án này đến bao giờ mới triển khai, chứ như thế này dân chúng tôi còn khổ lắm!”- bà Mai bức xúc cho biết.
Vấn đề bức xúc này đã được người dân nơi đây phản ánh rất nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri của phường Vỹ Dạ trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Mong muốn của người dân là lãnh đạo các ban ngành sớm quyết định có tiếp tục triển khai dự án “khu du lịch - dịch vụ cao cấp” trên khu vực này hay không? Nếu thực hiện dự án thì khi nào sẽ tiến hành giải tỏa đền bù để người dân chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.
Nhiều gia đình nhà nứt nẻ, xuống cấp theo thời gian nhưng vẫn không dám sửa chữa, xây mới vì vướng quy hoạch |
Trao đổi với ông Lê Văn Phú- Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, ông Phú cho biết, hiện khu vực Cồn Hến có 750 hộ dân, với hơn 3.600 nhân khẩu sinh sống. Cuộc sống của người dân hiện gặp nhiều khó khăn, đa số là lao động phổ thông, còn thanh niên, người trẻ đều đi lập nghiệp ở xa.
“Việc Cồn Hến bị quy hoạch “treo” trong nhiều năm qua đã khiến cho người dân chưa yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, khi người dân có nhu xây dựng nhà ở mới, hay tách thửa thì phường đều phải hướng dẫn lên cấp thành phố chứ phường không đủ thẩm quyền để giải quyết. Đối với những ngôi nhà xây dựng lâu năm đang trong tình trạng xuống cấp, phía chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để người dân sửa chữa nhằm tránh ảnh hưởng đến tình mạng và tài sản”- ông Phú trao đổi.
Theo thời gian, vết nứt ngày càng to nên nhiều hộ dân đã kêu thợ về và lại, nhưng vẫn không ăn thua |
Cũng theo ông Phú, với vai trò trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương đã phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân đến các cơ quan liên quan. Khi có những động thái cụ thể, địa phương sẽ hỗ trợ để các cơ quan liên quan tổ chức các bước tiếp theo. “Chính quyền địa phương cũng như người dân nơi đây mong muốn sớm có phương án bồi thường, tái định cư để người dân yên tâm sinh sống, đồng thời mong cấp trên sớm kêu gọi các nhà đầu tư đến triển khai xây dựng dự án”- ông Phú mong muốn.
Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, do các năm gần đây nguồn đầu tư, vốn ngân sách từ tỉnh còn hạn chế. Sở và UBND TP. Huế đã nhiều lần kêu gọi nhà đầu tư, tuy nhiên vì nguồn vốn di dời gần 1.000 tỷ đồng quá lớn khiến nhà đầu tư e ngại.
Bài & ảnh:Đức Linh