TP. Huế: Dân bức xúc vì trạm trộn bê tông của doanh nghiệp gây ô nhiễm, nứt nhà

01/07/2019 19:40

(TN&MT) - Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên Huế hoạt động trong một thời gian dài gây bụi, tiếng ồn và nứt nhà dân...

Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên Huế
Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên Huế 

Ô nhiễm, nứt nhà

Thời gian gần đây, PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường nhận được nhiều phản ánh của người dân sống ở kiệt 88 đường Nguyễn Khoa Chiêm (phường An Tây, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên Huế gây ô nhiễm, nứt nhà..., PV đã đến hiện trường để tìm hiểu thực hư.

Qua quan sát, trạm trộn này đặt ngay giữa khu dân cư đường Nguyễn Khoa Chiêm. Xung quanh có hàng trăm hộ dân đang sinh sống. Nhà máy có 2 trạm, một lớn và một nhỏ, hoạt động liên tục từ ngày đến đêm. Trạm này chỉ ngăn cách với bên ngoài nhà dân bằng bức tường.

Đứng trước cổng trạm, PV đã ngửi thấy mùi hôi từ trạm bốc ra. Tiếng ồn khá lớn. Xe chở bê tông vào ra liên tục khiến bụi bay khắp nơi. Cây cối hai bên đường bám nhiều bụi, bạc màu. Nhà dân đều đóng cửa vì sợ ô nhiễm. Mặt đường dần xuống cấp...

Bên trong trạm trộn. Người dân phản ánh trạm gây ô nhiễm, tiếng ồn lớn khi hoạt động
Bên trong trạm trộn. Người dân phản ánh trạm gây ô nhiễm, tiếng ồn lớn khi hoạt động

“Trạm này đã có mấy chục năm nay rồi. Xe cộ chở cát sạn hoạt động rầm rộ. Ban ngày nhà tôi phải đóng cửa vì sợ bụi vào, nhất là đúng hướng gió thì bụi nhiều lắm. Còn tiếng ồn thì khiến dân khó ngủ. Mong cơ quan chức năng sớm di dời trạm xa khu dân cư...”, một người dân bức xúc.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà xe chở bê tông ra vào trạm kể trên được nghi ngờ là “thủ phạm” tác động khiến nhà dân nứt nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (58 tuổi, trú kiệt 1/88 Nguyễn Khoa Chiêm) cho hay, ngoài bụi bẩn thì nhà bà bị nứt là do hoạt động của xe chở bê tông từ trạm đi ra vào gây rung chấn. Tình trạng nứt nhà cửa xuất hiện từ hơn 5 năm trước, thời gian gần đây trở nên nặng hơn khi nứt khắp nhà.

Vào nhà bà Tuyết, PV thấy những gì bà nói là đúng khi nhà cửa nứt trầm trọng, từ nhà lớn đến nhà bếp. Nhà vệ sinh cũng nứt toác nhiều nơi. Phía sau là dãy nhà trọ cũng hư hỏng nặng ở từng phòng.

Nhà của bà Tuyết nứt nẻ trầm trọng
Nhà của bà Tuyết nứt nẻ trầm trọng

Theo bà Tuyết, có thời điểm 1h sáng bà gắng thức để chụp lại hình ảnh xe chở bê tông từ trạm ra vào gây ồn làm bằng chứng. Sau đó bà đi ngủ nhưng xe vẫn chạy. Những hình ảnh bà cung cấp cho PV là đúng như vậy.

“Nhiều năm nay tôi không bao giờ ăn ngủ cho yên vì quá lo nhà sẽ sập. Tôi đã gửi ít nhất 4 đơn thư lên thành phố, tỉnh, các sở và công an. Còn trong các cuộc tiếp xúc cử tri với phường tôi liên tục kiến nghị. Họ nói là đền cho tôi 30 triệu đồng nhưng như thế là quá ít và tôi không đồng ý. Việc phòng trọ nứt nẻ khiến nhiều sinh viên không dám thuê, ảnh hưởng đến kinh tế. Chồng tôi thì đã mất, tôi ở với mấy đứa cháu, có bệnh trong người mà cứ lo nhà cửa như thế thì chết mất thôi...”- bà Tuyết chia sẻ.

Doanh nghiệp nói gì?

Liên quan đến sự việc, bà Phạm Thị Phương Mai - Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết, vấn đề như trên thì người dân ở gần trạm bê tông cũng đã nhiều lần phản ánh với địa phương ở các cuộc họp, tiếp xúc cử tri. Phường đã mời công ty cùng với hộ bà Tuyết lên không ít lần để tìm cách giải quyết ổn thỏa nhưng vẫn chưa được.Vừa rồi thì thanh tra Sở Xây dựng đã về làm việc. Ở cấp phường thì không có chức năng xử lý nhiều, không thể đánh giá mức độ tác động của trạm với các hộ dân, chỉ hòa giải là chính nên phường cũng đã kiến nghị lên cấp trên để tìm phương án phù hợp hơn...

Hình ảnh bà Tuyết chụp lại lúc gần 1h sáng, thời điểm xe của trạm trộn hoạt động. Điều này nếu đối chứng với lời nói của giám đốc công ty về thời gian thì mâu thuẫn?
Hình ảnh bà Tuyết chụp lại lúc gần 1h sáng, thời điểm xe của trạm trộn hoạt động. Điều này nếu đối chứng với lời nói của giám đốc công ty về thời gian thì mâu thuẫn?

Làm việc với PV, ông Lê Minh Trí - Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thừa Thiên Huế thừa nhận, việc người dân sống xung quanh trạm phản ánh về vấn đề ô nhiễm, nứt nhà... là có. Trạm được xây dựng từ năm 1996, thời điểm đó khu vực này vẫn thưa thớt dân nên không ai ý kiến, chứ không đông như ngày nay.

“Tất nhiên chúng tôi biết trạm nằm trong khu dân cư nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của họ. Chúng tôi không hề phủ nhận hay thoái thác trách nhiệm gì cả. Hồi xưa thì việc ô nhiễm khá nặng, bây giờ thì công ty đã cố gắng hạn chế tối đa rồi. Công ty cũng giảm thấp nhất tiếng ồn, cho hoạt động chỉ từ 5h sáng đến 8h đêm. Buổi trưa và buổi tối thì hạn chế tối đa việc xe chạy và hoạt động trong trạm. Chúng tôi cũng đánh giá tác động môi trường 2 lần/năm, kiểm tra đầy đủ về tiếng ồn, bụi, nước thải và hầu hết các thông số đều đáp ứng tiêu chuẩn. Bên trong nội bộ nhà máy đã tuân thủ đúng quy định của Sở TN&MT...”- ông Trí thông tin.

Cũng theo ông Trí, chủ trương của công ty về lâu dài mong tỉnh có cơ chế hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp để công ty được di dời nhà máy xa khu dân cư, đảm bảo môi trường một cách bền vững, bởi bây giờ trạm này thì công ty cũng chỉ thuê đất mà thôi...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế: Dân bức xúc vì trạm trộn bê tông của doanh nghiệp gây ô nhiễm, nứt nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO