Xã hội

TP.Hồ Chí Minh: Về "đích" sớm 2 năm công tác giảm nghèo

Nguyễn Thanh 29/03/2024 - 17:07

Đến cuối năm 2023, TP.HCM còn 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo ( trong đó 8.293 hộ nghèo), chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng hộ dân thành phố. Với kết quả này, TP.HCM đã “về đích” trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra.

tang-qua-cho-cac-ho-dan-toc-cham-gap-nhieu-kho-khan-tai-binh-chanh.jpg
Tặng quà cho các hộ dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bình Chánh

10 lần nâng mức “chuẩn” nghèo

Năm 1992, Chương trình Giảm nghèo bền vững được khởi xướng đầu tiên tại TP.HCM với tên gọi trước đây là Chương trình Xóa đói giảm nghèo. Đến nay, Chương trình đã trải qua 33 năm với 7 giai đoạn, 10 lần điều chỉnh chuẩn. Theo đó, qua các giai đoạn, tùy vào điều kiện, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Chương trình Giảm nghèo Thành phố được nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo phù hợp và luôn cao hơn so với chuẩn nghèo Quốc gia từ 1 đến 2 lần.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cho biết: Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt xã hội cơ bản. Phương pháp này không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà thu nhập là thước đo về thiếu hụt thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn thành phố được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo thống kê, đầu giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,29% trên tổng hộ dân của thành phố. Trong 3 năm thực hiện Chương trình, mặc dù là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid – 19, nhưng cả hệ thống chính trị đã cùng nỗ lực, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp khôi phục kinh tế, ổn định xã hội và liên tục thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, TP.HCM không có hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Quốc gia. Cuối năm 2023, TP.HCM còn 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó, có 8.293 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng hộ dân của thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, với kết quả này, TP.HCM đã hoàn thành trước thời hạn 02 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra là “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố”.

a-1-binh-chanh-giam-ngheo.jpg
TP.HCM đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi giúp người dân đầu tư các mô hình sản xuất, từ đó có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp giảm nghèo

Năm 2024, TP.HCM sẽ huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là hơn 13,7 ngàn tỷ đồng. Năm 2024 cũng được TP.HCM xác định là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu “Phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giai đoạn 2021-2025”, thiết thực chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cho biết: Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, TP.HCM sẽ tăng cường công tác rà soát hộ, tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng và danh sách hộ; triển khai hệ thống thông tin quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố...Từ đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ để tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn tổ chức sản xuất – kinh doanh – dịch vụ, nâng thu nhập và cải thiện cuộc sống, thoát mức chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo.

Cụ thể, các nguồn vốn sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm: Nguồn vốn cho vay Hỗ trợ giảm nghèo; Chương trình cho vay giải quyết việc làm (Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thành phố); Quỹ Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (Quỹ 34) ...

TP.HCM sẽ thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình Giảm nghèo bền vững, quy chế làm việc, nhân sự làm công tác giảm nghèo các cấp và Tổ tự quản Giảm nghèo bền vững trên địa bàn phường, xã, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Chương trình giảm nghèo bền vững; phát huy vai trò của Tổ Tự quản giảm nghèo bền vững để theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo. Rà soát, tổng hợp giới thiệu nhân rộng các cách làm hay, giải pháp hiệu quả, mô hình giảm nghèo tiêu biểu, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp, mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp.

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ tăng cường giám sát, quản lý danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo nhằm đảm bảo chăm lo đúng đối tượng, kịp thời và đầy đủ. Thành phố sẽ giám sát, đánh giá thực hiện công tác triển khai thực hiện các chính sách về tín dụng, an sinh xã hội, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo... để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu và lộ trình giảm nghèo đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Về "đích" sớm 2 năm công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO