TP Hồ Chí Minh: Từng bước chuyển đổi phương tiện chạy bằng dầu, xăng sang điện
TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện; hoặc dùng ngân sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện... nhằm kiểm soát khí thải trong lĩnh vực giao thông, hướng đến nền giao thông xanh, bảo vệ môi trường.
Giảm lượng khí thải
Theo thống kê, mỗi năm hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục ngàn tấn khí CO2 trên phạm vi cả nước. Trong đó, lượng khí phát thải nhà kính của lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm tỉ lệ lớn so với các lĩnh vực còn lại. Chính vì vậy, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã từng bước triển khai nhiều biện pháp để quản lý giảm lượng phương tiện sử dụng các nhiên liệu không thân thiện với môi trường. Hiện nay, toàn Thành phố đang có 2.089 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 15 xe buýt điện.
Để giảm lượng khí thải, tháng 5 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều đề án, chủ trương chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu sang khí CNG. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, Thành phố sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể, Thành phố dự trù kinh phí đầu tư chuyển đổi phương tiện khoảng 9.559 tỷ đồng cho 3 loại phương tiện điện cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá từ 4 - 7 tỷ đồng/xe. Dự án cũng dự trù kinh phí trợ giá cho các tuyến hiện hữu và các tuyến mở mới số tiền hơn 4.242 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (SaiGon Bus) cho biết, việc Thành phố ban hành chủ trương chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu qua khí CNG rất kịp thời đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mua phương tiện mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đã mang lại động lực, giúp doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi năng lượng “xanh” trong giao thông. Với Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư và vận hành 120 xe buýt chạy bằng khí CNG, chiếm hơn 30% số xe đang hoạt động.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng cho biết đã thực hiện các giải pháp để phát triển giao thông xanh, như khuyến khích người dân dùng xe đạp công cộng. Cụ thể tháng 12/2021, Sở đã triển khai mô hình thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở Quận 1, với 43 trạm và 388 xe đạp công cộng, trung bình mỗi ngày thu hút 700 người đăng ký mới. Ngoài ra, đầu năm 2022, Thành phố đưa vào vận hành 15 xe buýt điện tuyến D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn). Vào năm 2023, Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh đã đưa vào khai thác 600 xe taxi điện trên địa bàn Thành phố... Đặc biệt, sắp tới khi tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào khai thác, đây cũng sẽ là một giải pháp tối ưu nhằm giảm khói bụi, tiếng ồn và thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố cho biết, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi xe buýt truyền thống sang sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh và đến năm 2030, thành phố có 1.874 xe buýt chuyển đổi sang năng lượng điện, năng lượng xanh, khi đó xe năng lượng xanh chiếm 73%.
Thí điểm giao thông xanh tại Cần Giờ
Tại TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ là địa phương tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh bằng việc vận dụng Nghị quyết 98. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), đại diện nhóm nghiên cứu Đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ cho biết, trước mắt, địa phương này cần tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông ít phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, khuyến khích người dân dùng xe điện, xây các trạm sạc điện tại green mobility hub (trạm giao thông xanh); đầu tư, nâng cấp hạ tầng cho người đi bộ, đi xe đạp; đầu tư xe máy điện và 100% số xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Nếu thực hiện các giải pháp này, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng tại huyện Cần Giờ ước tăng từ 10% như hiện nay lên 30 - 40%; phát thải ô nhiễm không khí mỗi năm sẽ giảm từ 9.600 tấn xuống 4.800 tấn, nồng độ chất gây ô nhiễm giảm 54% trên các trục đường chính và 12% trên đường dân sinh.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, huyện Cần Giờ cũng cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch, tần suất cao trên các hành lang trục chính, bổ trợ bởi xe buýt thu gom; đồng thời phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng điện cho xe điện, qua đó thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến nơi được xem là lá phổi xanh của thành phố.
Liên quan đến phát triển xanh tại Cần Giờ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, huyện Cần Giờ cần phải tiên phong chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Trong đó, huyện Cần Giờ cần thí điểm các chính sách về phát triển xanh bằng việc vận dụng Nghị quyết số 98 với mục tiêu chuyển đổi xanh như giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Ngoài ra, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã đề ra định hướng mục tiêu tổng quát phát triển Cần Giờ đến năm 2030 là “Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường...”.
Tương tự, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết số 98 đã cho thành phố rất nhiều công cụ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, trong đó có thúc đẩy nhà máy điện đốt rác, giảm khí thải và huyện Cần Giờ rất phù hợp để xây dựng mô hình giao thông xanh. Vì vậy, huyện Cần Giờ phải tiên phong thí điểm các chính sách về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Để làm được điều này, Cần Giờ cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ chính sách, hạ tầng và con người...