Phát triển Xanh

Dự báo bùng nổ nhu cầu xe điện trong giai đoạn tới

Khánh Ly 16/12/2024 - 18:38

(TN&MT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nhu cầu thị trường đối với tất cả các loại xe điện tại Việt Nam vào khoảng hơn 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2030, và sẽ tăng lên 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031 – 2050.

Đây là dự báo dựa mục tiêu Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô tại Việt Nam đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh; và đến năm 2050, 100% các phương tiện giao thông đường bộ đều đều sẽ chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.

Cuộc “đảo chiều” của phương tiện xanh

Trong báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện” vừa công bố, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra: Việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe 2 bánh (bao gồm xe máy và xe gắn máy) trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Thực tế, Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc; trong đó, lượng xe điện 2 bánh chiếm 12% thị phần trong tổng doanh số bán 2 bánh vào năm 2022. “Việt Nam đã sẵn sàng cho việc nhanh chóng tăng tốc sử dung xe điện 2 bánh trên quy mô lớn hơn nhiều” – báo cáo của WB nhấn mạnh và chỉ ra nguồn cung ứng loại xe này khá đa dạng và sôi động.

xe-dien.jpg
Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc

Mức độ đón nhận của người tiêu dùng khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Đồng thời, giá cả đã có thể cạnh tranh với xe chạy xăng. Tùy thuộc vào tốc độ và quy mô triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan, quy mô thị trường xe điện 2 bánh sẽ đạt tổng cộng 12 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2035, hoặc 16 triệu chiếc nếu theo quỹ đạo nhanh hơn, tương ứng với tỷ lệ 42% và 56% tổng doanh số bán 2W tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Trong phân khúc ô tô con, WB nhận định, Việt Nam có cơ hội rất lớn để thoát ly khỏi xe ô tô chạy xăng và dầu diesel thông thường trong quá trình cơ giới hóa, chuyển sang kỷ nguyên của xe ô tô điện. Nhiều khả năng sau năm 2035, doanh số ô tô điện sẽ vượt xe điện 2 bánh, trở thành lựa chọn phương tiện chủ đạo tại thị trường tiêu dùng Việt Nam. Trong giai đoạn này, giá xe ô tô điện sẽ ngày càng cạnh tranh hơn so với xe xăng truyền thống do hiệu suất được cải tiến đáng kể.
Từ thực tế thị trường, khi VinFast, hãng sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam, ra mắt các mẫu ô tô điện đầu tiên vào năm 2021, hãng đã ngay lập tức chiếm lĩnh hơn 14% tổng thị phần ô tô con trong năm đó. Giá mua của một số mẫu ô tô điện phổ biến nhất của VinFast hiện đã ngang bằng với xe con truyền thống.

WB phân tích, tổng chi phí sở hữu của các mẫu ô tô con chạy điện trong 10 năm cũng sẽ giảm đến 27% nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi chuyển đổi từ xăng sang điện và nhu cầu bảo trì ít hơn.

Tổng nhu cầu thị trường về ô tô con chạy điện sẽ vào khoảng 4 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2035, chiếm khoảng 43% tổng doanh số bán xe con nói chung trong giai đoạn này. Dự báo giai đoạn 2036 – 2050 có thể đạt 51 triệu chiếc, chiếm 93% tổng doanh số bán ô tô con, nhằm tăng tốc đạt mục tiêu tất cả phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050.

anh-3.jpg
Tổng nhu cầu thị trường về ô tô con chạy điện sẽ vào khoảng 4 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2035

Ngoài phân khúc xe cá nhân, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện thuộc phân khúc xe buýt công cộng và xe thương mại cũng quan trọng không kém, đặc biệt là trên phương diện giảm phát thải các-bon. Mặc dù xe buýt/xe khách và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện được đăng ký tại Việt Nam nhưng lượng khí thải của những phương tiện này lại chiếm hơn 65% lượng khí thải nhà kính từ ngành giao thông đường bộ.

Cùng với thúc đẩy chuyển đổi phương chở người từ xe cá nhân sang hệ thống giao thông công cộng, cần có giải pháp can thiệp mạnh mẽ về chính sách để tạo điều kiện cho các loại xe buýt điện. Cụ thể, cần đặt ra các thông số kỹ thuật cho xe buýt điện và trạm sạc cho xe buýt điện, xây dựng hướng dẫn mua sắm liên quan, yêu cầu về bảo trì và định mức chi phí; và tìm hiểu các mô hình tài chính để cải thiện khả năng đáp ứng về tài chính của xe buýt điện.

photo-1_vinfast-ev-bus.jpg
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển xe buýt điện

Đối với phân khúc xe tải và xe buýt/xe khách liên tỉnh, các loại xe được sử dụng trong những phân khúc này chủ yếu là loại xe nhỏ, chẳng hạn như xe buýt mini, xe bán tải, xe van, xe tải nhỏ dưới 5 tấn. Đây là phân khúc xe thương mại đầu tiên khi công nghệ xe điện chạy pin sắp đạt đến độ chín muồi. Mặt khác, với 30 – 40% lượng xe hạng nặng cỡ lớn còn lại trong phân khúc này, Việt Nam cần tích cực áp dụng các biện pháp giảm phát thải các-bon khác. Trọng tâm chính cần đặt vào việc áp dụng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cao hơn và thúc đẩy chuyển đổi nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa đường dài từ xe khách/xe buýt và xe tải sang các phương thức vận tải có mức các-bon thấp hơn, như
đường sắt và đường thủy.

Cần chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống sạc xe điện
Nhu cầu xe điện nhiều khả năng sẽ tăng nhanh trong thập kỷ tới và xa hơn, kéo theo nhu cầu triển khai mạng lưới trạm sạc công cộng một cách có hệ thống. Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định đến sự thành công của quá trình xanh hóa ngành giao thông Việt Nam. WB nhấn mạnh, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng sạc phải được lập kế hoạch cẩn thận để tiết kiệm chi phí trong khi đối tượng phục vụ còn ít.

anh-1.jpg
Mạng lưới trạm sạc công cộng của VinFast đã phủ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, dọc 106 quốc lộ và đường cao tốc

Hoạt động sạc xe điện sẽ chưa gây áp lực lớn cho ngành điện lực trước năm 2030, do hầu hết nhu cầu đều tập trung vào thiết bị sạc cấp 1 cho xe 2 bánh. Sau năm 2030, dự báo nhu cầu sử dụng xe điện tăng vọt trong các phân khúc xe con, xe tải nhỏ và xe buýt liên tỉnh nhỏ. Từ đó, nhu cầu về thiết bị sạc cấp 2 và cấp 3 sẽ tăng vọt. Để thiết lập mạng lưới trạm sạc cần thiết nhằm hỗ trợ mục tiêu sử dụng xe điện, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2030, 13,9 tỷ USD vào năm 2040. Dự báo mức đầu tư cần đạt 32,6 tỷ USD vào năm 2050, để cho phép điện khí hóa 100% vận tải đường bộ.

Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện so với các nước phát triển, tuy nhiên số lượng trạm sạc điện lại tăng tương đối nhanh bởi sự đầu tư từ cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến năm 2023, tổng cộng cả nước có khoảng 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc do Vinfast đầu tư xây dựng. Các nhà sản xuất ô tô khác như Audi, BMW cũng đầu tư các trạm sạc đầu tiên tại Việt Nam với số lượng các trạm sạc tương đối ít.

Các trạm sạc công cộng đầu tiên tại Việt Nam được VinFast đầu tư xây dựng từ vào tháng 12/2021. Hiện Vinfast vẫn đang dẫn đầu trong việc cung cấp hạ tầng trạm sạc công cộng tại Việt Nam. Mạng lưới trạm sạc công cộng của VinFast đã phủ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, dọc 106 quốc lộ và đường cao tốc với khoảng cách trung bình 65 km/trạm sạc và hướng tới mục tiêu 50km/trạm sạc.

Theo WB, để giảm tác động của việc sử dụng phương tiện giao thông chạy điện đối với ngành điện, điều quan trọng là Việt Nam phải tăng cường cải thiện hiệu suất mạng lưới điện và hiệu suất sử dụng pin, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hóa về lâu dài.

Dự kiến hơn một nửa nhu cầu sạc xe điện sau năm 2035 sẽ đến từ xe con cá nhân và xe tải điện cỡ nhỏ dùng cho vận tải hàng hóa liên tỉnh. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi phương tiện vận tải đối với nhu cầu vận tải hành khách trong đô thị từ xe con sang phương tiện giao thông công cộng đại trà và nhu cầu vận tải hàng hóa từ xe tải điện liên tỉnh sang đường sắt và đường thủy sẽ giúp giảm đáng kể tổng nhu cầu sạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo bùng nổ nhu cầu xe điện trong giai đoạn tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO