Môi trường

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường giải pháp hạn chế rác thải nhựa

Nguyễn Thanh 12/10/2023 - 10:24

(TN&MT) - TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao ý thức người dân trong vấn đề rác thải nhựa; đẩy mạnh phân loại, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chưa được phân loại triệt để

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, được thu gom xử lý. Trong đó, thành phần chất thải có giá trị, có thể tái chế chiếm khoảng 20 - 25% (bao bì nhựa, giấy, kim loại,…). Theo đó, một phần chất thải nhựa có giá trị cao được người dân phân loại bán phế liệu, một phần tiếp tục được phân loại và tái chế tại các nhà máy xử lý tập trung của thành phố, phần còn lại được thu gom xử lý cùng các loại chất thải rắn sinh hoạt khác (hiện nay bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh).

a2.jpeg
TP.HCM thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải nhựa

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi và tái chế bao bì nhựa chưa được thực hiện hiệu quả, đặc biệt, tình trạng thải bỏ bừa bãi rác thải nhựa vẫn còn diễn ra đang là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý môi trường của thành phố. Vì vậy, thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với chất thải nhựa, TP.HCM đã triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thành phố với các chỉ tiêu cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thời gian qua, TP.HCM đã có các giải pháp giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường; đồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, các sở, ban, ngành như: Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở An toàn Thực phẩm thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng đã có nhiều chương trình đồng hành và khuyến khích các đơn vị, tổ chức trực thuộc các sở, ban, ngành thành phố hướng đến không sử dụng sản phẩm nhựa một lần và bao bì nhựa khó phân hủy.

Hiện nay, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị như: không sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330 - 500ml) trong công sở và tại hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc tự đun nấu…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa trên địa bàn thành phố hiện đang gặp một số khó khăn, bởi theo khảo sát của Sở TN&MT, những loại rác thải nhựa dễ tái chế, giá trị cao đã được phân loại ngay từ đầu cho các đơn vị thu gom phế liệu; các rác thải nhựa còn lại lẫn trong chất thải rắn thì không còn khả năng tái chế, nếu đem tái chế sẽ không hiệu quả và không thu hút được nhà đầu tư trong lĩnh vực tái chế.

Trong khi đó, việc vận động người dân sử dụng bao bì thân thiện với môi trường cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Bà Phan Thị Thúy Phượng - Giám đốc Đối ngoại Công ty Sản xuất Thương mại Tổng hợp II cho rằng, đến thời điểm này, các công ty sản xuất các sản phẩm xanh chỉ tiếp cận được một thị trường rất nhỏ tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng. Khó nhất là thị trường chợ truyền thống chiếm đến 65% nhu cầu nhưng các đơn vị sản xuất bao thì thân thiện môi trường chưa thể tiếp cận được rộng rãi.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Phó Giám đốc Sở TN&MT, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, để góp phần hạn chế rác thải nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần, cần có các giải pháp cụ thể nhằm phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa theo mô hình 3T: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thu gom, tái chế, Thành phố đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hơn để khuyến khích, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp và chuyên đề cho nội dung hạn chế rác thải nhựa này. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ kết nối với các chợ, buộc các chợ phải bố trí chỗ bán các sản phẩm túi thân thiện với môi trường cũng như phải có chỗ cho các doanh nghiệp bán hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Ông Lê Quang Thiện - Trưởng Ban Quản lý Chợ Tân Định (Quận 1, TP.HCM) kiến nghị: Thành phố cần thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như đối với doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Việc này tránh làm thất thu nguồn ngân sách cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm thân thiện với môi trường trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020 bằng các quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa để bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Đồng thời, lên kế hoạch đến năm 2030, Thành phố sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, trừ các sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường giải pháp hạn chế rác thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO