TP.Hồ Chí Minh: Nỗ lực triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

05/06/2014 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và bước đầu đã thu được một số kết...

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định.
   
  Báo cáo tại phiên họp thứ 7 Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Tại địa bàn TP.HCM, tình hình ô nhiễm môi trường có dấu hiệu được cải thiện tại một số nơi, một số khu vực, một số tuyến kênh rạch như kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Đôi – kênh Tẻ, kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai – sông Cần Giuộc…
   
  Trong đó, công tác điều hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố, có sự phối hợp  của các Sở, ban ngành thông qua các chương trình hành động liên tịch.
   
  Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn thành phố được tổ chức rộng khắp, hiệu quả. Năm 2013, thành phố đã huy động nhiều lực lượng đoàn viên, thanh niên tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy theo kế hoạch duy tu cho 39 tuyến kênh, rạch và cửa xả với tổng chiều dài khoảng 10km, góp phần thông thoáng dòng chảy, cảnh quan, vệ sinh môi trường được cải thiện. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường tuy có chuyển biến nhưng chưa tạo được thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của đại bộ phận dân cư
   
  Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý, khắc phục các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng được tăng cường và có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2011 đến 2013, 761 đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, 300 đơn vị bị xử phạt, 24 đơn vị bị buộc tạm đình chỉ. Bắt đầu từ năm 2014, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND các quận, huyện thanh kiểm tra định kỳ ít nhất  mỗi năm 2 lần và đột xuất đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
   
Một khúc sông Sài Gòn – Đồng Nai.
   
  Đến nay, 15/15 KCN đi vào hoạt động đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cũng được đưa vào vận hành; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định 64/2003/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản được xử lý triệt để…
   
  Về các chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, TP.HCM đã xây dựng được 2 khu liên hợp xử lý chất thải (Phước Hiệp  và Đa Phước), đảm bảo tiếp nhận an toàn và xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2020. Thành phố có 48 công ty vận chuyển chất thải nguy hại và 13 công ty được phép hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại… đạt 100% khối lượng phát sinh.
   
  TP.HCM là địa phương đi đầu trong  việc triển khai các nhiệm vụ điều tra, thống kê, phân loại các nguồn xả thải và nguồn tiếp nhận nước thải trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn thành phố. Ngày 6/5/2014, UBND Thành phố HCM đã ban hành Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND về việc phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn.  Sở TN&MT đang triển  khai đề tài “Thiết lập Bản đồ lan truyền ô nhiễm đối với nguồn nước trên địa bàn thành phố” nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu GIS để quản lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước quan trọng; xây dựng bản đồ hiện trạng hệ thống thu gom nước thải đô thị tập trung cho các lưu vực thoát nước chính trên địa bàn.
   
  Công tác quan trắc môi trường được thực hiện thường xuyên với mạng lưới điểm quan trắc, tần suất quan trắc ngày càng được mở rộng. TP.HCM đã quy hoạch xây dựng  22 trạm quan trắc chất lượng nước mặt và thủy văn trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai, 10 trạm quan trắc chất lượng nước trên kênh rạch nội thành, 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 9 trạm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và trầm tích đáy.
   
  TP.HCM cũng đang hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận ( Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) trong việc giải quyết  các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như: Cải tạo kênh Ba Bò; kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai – An Hạ; xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa TP.HCM và Long An; nâng cao năng lực ứng phó với sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm khu vực tràn dầu trên địa bàn TP.HCM…
   
Nguyễn Thanh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.Hồ Chí Minh: Nỗ lực triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO