TP.Hồ Chí Minh: Khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo của người dân
(TN&MT) - TP.HCM đang tập trung triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, TPHCM phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 15.144 tỷ đồng; trong đó, bổ sung mới cho giai đoạn 2021 - 2025 là 7.873 tỷ đồng.
Nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, TP.HCM sẽ đồng thời triển khai nhiều chính sách, giải pháp như: Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); Chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục; Chính sách hỗ trợ nhà ở.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội khác như: Về trợ cấp khó khăn, hỗ trợ hỏa táng phí, hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, hỗ trợ tiền điện, chính sách chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, tính đến cuối năm 2022, Thành phố đã giảm hơn 16.100 hộ nghèo (giảm 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (giảm 0,38%). Đến cuối năm 2022, toàn Thành phố còn hơn 21.300 hộ nghèo (chiếm 0,84%), 18.068 hộ cận nghèo (chiếm 0,71% tổng hộ dân thành phố). Năm 2023, Thành phố phấn đấu thực hiện giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2023, TP.HCM sẽ huy động hơn 10.200 tỷ đồng thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo; các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo.
Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện nay, Thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều. Mục tiêu hướng tới là đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin… từ đó thu hẹp mức sống chênh lệch giữa các cộng đồng dân cư. Chương trình này thành công nhất chính là khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo; có sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân.
Theo đó, các địa phương trên địa bàn Thành phố tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế tham gia; đồng thời, Thành phố cũng xây dựng các kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM cho biết: Với việc bổ sung vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách sẽ đáp ứng mạnh mẽ nhu cầu vốn của những hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Vốn vay sẽ tập trung vào các nội dung: học văn hóa, học nghề, sửa chữa nhà cải thiện điều kiện sống, tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp…
Bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, thời gian tới, hệ thống Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình sáng tạo, có hiệu quả thiết thực góp phần hỗ trợ người nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, hệ thống Mặt trận phấn đấu vận động trên 130 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo; tiếp tục hỗ trợ học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên; vận động, trao đỡ đầu cho 75 sinh viên khó khăn, học giỏi tiêu biểu cho đến khi ra trường…
Cũng theo bà Trần Kim Yến, vên cạnh việc chăm lo, hỗ trợ về vật chất, các cấp chính quyền, đoàn thể cần phải có giải pháp khơi gợi được ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.