Xã hội

TP. Hồ Chí Minh Hướng đến cột mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Trong tâm thế thành phố anh hùng

Nguyễn Quỳnh 25/04/2024 - 14:12

(TN&MT) - Chỉ còn đúng 1 năm nữa là đến cột mốc lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đã bước qua 49 mùa xuân với biết bao gian khó và đầy ắp những thành tựu trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, sớm xác lập vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong những ngày tháng 4 này, TP.HCM như đang hối hả hơn, gấp rút hơn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm chào mừng đại lễ kỷ niệm lớn của đất nước sẽ diễn ra trong năm tới.

Hành trình 49 mùa xuân

Đối với nhiều người dân TP.HCM, cảm xúc ngày 30/4 của 49 năm trước vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng, bởi từ đây non sông chính thức thu về một mối. Càng tự hào hơn, từ năm 1976, thành phố Sài Gòn được chính thức đổi tên thành phố Hồ Chí Minh. Với niềm tự hào vô bờ bến được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, để có được vị thế của một siêu đô thị, một đầu tàu kinh tế như ngày nay, TP.HCM đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn, khó khăn đến nghẹt thở...

tp.hcm-3(1).jpg

Trong tài liệu “TP.HCM - 40 năm phát triển, hội nhập: Những mốc son và những sự kiện lịch sử” đã dành một phần in đậm những năm tháng khó khăn không thể nào quên của thành phố trong những năm đầu giải phóng. Lúc đó, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút nghiêm trọng; sản xuất, dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục; thiên tai xảy ra 3 năm liền ở Nam Bộ ảnh hưởng đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy nhiên, nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, TP.HCM đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng; đã giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới. Nhờ vậy, từ mức tăng trưởng 2.18%/ năm của giai đoạn 1976 - 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP.HCM thời kỳ 1980 - 1985 đạt 8,17% /năm; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.

Đặc biệt, những kết quả thử nghiệm đổi mới tại TP.HCM chính là tiền đề quan trọng, thực tiễn để năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây, TP.HCM cùng cả nước đã dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào thời kỳ lịch sử mới.

Trong suốt quá trình gần 40 năm đổi mới, TP.HCM đã bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; sớm xác lập và giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, TP.HCM với quy mô và tiềm lực vượt trội đã cùng cả nước bước qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như: cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008. Năm 2020, TP.HCM chiếm 22% quy mô kinh tế, đóng góp 27% ngân sách cả nước.

Tuy nhiên, trong hành trình 49 mùa xuân, người dân TP.HCM cũng không thể nào quên giai đoạn 2021 - 2022 khi thành phố phải trải qua những tháng ngày vô cùng cam go, mất mát bởi sự khốc liệt của đại dịch Covid-19. Nhưng, bằng ý chí kiên cường, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, người dân và sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, TP.HCM đã chiến thắng đại dịch và sớm trở lại hành trình tăng trưởng.

Hiện tại, toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân TP.HCM đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Theo đó, đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng của cả nước. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD; là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Ngày nay, nhắc đến TP.HCM, chúng ta không chỉ biết đến một thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo mà còn thấm đẫm nghĩa tình… Những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo... không ngừng được phát huy. TP.HCM là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương, chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nụ cười cho trẻ thơ…

Hướng về cột mốc lịch sử 50 năm

Những ngày này, trên khắp TP.HCM đang hối hả các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tâm thế của một thành phố anh hùng, với một khát khao vươn tầm châu lục.

tp.hcm-2(1).jpg
TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội sau 49 năm giải phóng

Để đánh dấu cột mốc lịch sử đầy tự hào này, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc tổ chức các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/4/2025). Tiếp đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 3818 triển khai các chương trình, công trình, dự án, trong đó thực hiện 55 chương trình, công trình, dự án cấp thành phố trên 6 nhóm lĩnh vực.

Theo đó, lĩnh vực Văn hóa - Xã hội có 18 chương trình, công trình, dự án; Kinh tế có 6 chương trình, công trình, dự án; Đô thị có 19 chương trình, công trình, dự án; Khoa học - Công nghệ, Đổi mới sáng tạo có 4 công trình, dự án; Cải cách hành chính có 3 đề án; Quốc phòng - an ninh, đối ngoại có 5 chương trình, công trình, dự án. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đăng ký thực hiện 1.362 công trình...

Trong số này, có nhiều dự án, công trình quan trọng liên quan đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng thành phố phát triển bền vững, thân thiện môi trường sẽ được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước như: Công trình xây dựng “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”; dự án giải quyết ngập do triều cường; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn, Tham Lương - Bến Cát; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát...

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn. Vì vậy, các hoạt động kỷ niệm cần tập trung nêu bật ý nghĩa, giá trị cốt lõi của hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập, phát triển đất nước và TP.HCM. Đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy phẩm chất quý giá của văn hóa, con người Việt Nam, vùng đất và con người TP.HCM với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, bao dung, nghĩa hiệp, đương đầu và vượt qua mọi thử thách.

Hiện tại, đông đảo các văn nghệ sỹ TP.HCM, các tầng lớp nhân dân đang nhiệt tình, sôi nổi tham gia cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề "TP. Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca" do UBND TP.HCM phát động. Chắc chắn, nhiều ca khúc hay về TP.HCM sẽ được ra đời, khắc họa, ghi dấu ấn những thành tựu của 50 năm hùng ca đầy tự hào của thành phố mang tên Bác kính yêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh Hướng đến cột mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Trong tâm thế thành phố anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO