Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, UBND thành phố đã xác định đây là một nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của HĐND thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, TP.HCM tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen của người dân, đồng thời tiến hành xử lý các vi phạm để chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Theo đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND 24 quận, huyện rà soát và triển khai xóa các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Định kỳ hàng tuần và hàng tháng, UBND quận, huyện, phường xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập các tổ, nhóm thực hiện nhiều đợt tổng vệ sinh xóa các điểm ô nhiễm. Đến nay, UBND 24 quận huyện đã chuyển hóa được 517/600 điểm ô nhiễm về rác thải (tỷ lệ giải quyết đạt 86,2%), còn 83 điểm đang tiếp tục triển khai. Trong đó, quận 5 và quận Phú Nhuận được xác định không có điểm ô nhiễm do rác thải trên địa bàn.
Người dân huyện Cần Giờ xóa điểm đen ô nhiễm |
Đặc biệt, trong 517 điểm ô nhiễm về rác thải đã được giải quyết, có 65 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên. Đồng thời, công tác tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn đã được các địa phương quan tâm, xem đây là công tác được thực hiện thường xuyên và được sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương. UBND Thành phố đã đề nghị UBND 9 quận (4, 9, 10,12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú) cần tập trung đẩy mạnh thực hiện việc xóa các điểm ô nhiễm và giải quyết dứt điểm, không để tình trạng tái ô nhiễm xảy ra tại các khu vực đã được chuyển hóa.
Để giúp người dân có nơi bỏ rác đúng quy định, TP.HCM đã trang bị được 32.893 thùng rác trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn. Trong đó, 2 huyện (Bình Chánh, Củ Chi,) thực hiện tốt việc vận động, trang bị thùng rác công cộng trên các tuyến đường, trong đó huyện Củ Chi có số lượng thùng rác công cộng được lắp đặt trên 18.000 thùng.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng, UBND TP.HCM đã có chủ trương thống nhất giao cho cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng.
Sau 1 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TU, thành phố ghi nhận kết quả đã nhắc nhở 1.385 trường hợp vi vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.675 trường hợp với số tiền phạt khoảng 43.720.000 đồng. Trong đó, 4 quận (quận 6, 7, 11, Bình Thạnh) được đánh giá thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, vệ sinh môi trường với số lượng trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính trên 500 trường hợp. |
Để nhanh chóng phát hiện và xử lý những vụ việc vi phạm vệ sinh môi trường, UBND 24 quận, huyện triển khai xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự và vệ sinh môi trường tại từng địa phương bằng nhiều phương thức tiếp nhận đa dạng, khác nhau (tin nhắn điện thoại, chụp hình, thư điện tử, đường dây nóng...). Ngoài ra, UBND các quận huyện đã tiến hành khảo sát và lắp đặt 8.316 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị. Trong đó, quận Tân Bình lắp đặt gần 3.000 camera và 03 quận, huyện (Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Chánh) với số lượng lắp đặt trên 1.000 camera/quận.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: UBND TP.HCM đã yêu cầu đến 30/11/2019, UBND các quận, huyện phải có kế hoạch giải quyết dứt điểm 100% điểm ô nhiễm về rác thải trên địa bàn và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Đến hết năm 2019, 100% người dân thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thành phố sẽ ban hành các phương thức, giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng, áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng.