Tháng 11/2019 hoàn thành xử lý các điểm đen ô nhiễm
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” đã được triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng thực hiện của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Đến nay, trên 1,3 triệu hộ dân đăng ký tham gia không xả rác bừa bãi Tỷ lệ các điểm ô nhiễm được kéo giảm, số lượng thùng rác được trang bị ngày càng tăng gần 33.000 thùng, lắp đặt thêm 8.316 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị;100% quận, huyện có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự, vệ sinh môi trường. Thành phố đã khởi công 1 nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên và đầu tháng 10 này sẽ khởi công 1 nhà máy đốt rác phát điện tương tự. Các quận, huyện đã ghi nhận và giải quyết 99% phản ánh của người dân (khoảng 9.200 ý kiến). Đặc biệt, 517/600 điểm ô nhiễm, điểm đen về rác đã được xử lý.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận người dân còn chưa có ý thức bảo vệ môi trường và việc thay đổi ý thức, hành vi, thói quen là việc làm cần kiên trì, lâu dài chứ không dễ thay đổi trong ngắn hạn. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, khó thực hiện. Việc quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường ở mặt tiền đường chưa được chú trọng. Tình trạng lấn chiếm hầm ga, xây nhà và xả thải trực tiếp trên, ven sông, kênh, rạch chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập chưa chặt chẽ, việc thu gom còn chưa đảm bảo thời gian và tần suất thu gom theo cam kết.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở TN&MT hoàn thiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ Xây dựng thẩm định. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện; các doanh nghiệp xử lý rác phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để đảm bảo tới năm 2020, 50% rác thải sinh hoạt phải được đốt phát điện.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các quận, huyện có kế hoạch giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường và rác thải tại địa phương, duy trì chất lượng vệ sinh tại khu vực sau khi đã được chuyển hóa, có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, Chỉ thị 19 thể hiện đúng lòng dân và thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Do đó, đề nghị các quận, huyện còn số điểm đen về rác thải phấn đấu đến tháng 11 phải xử lý xong. Đối với các quận, huyện chưa thực hiện việc chuyển đổi mô hình thu gom vận chuyển rác vào các hợp tác xã cần học tập các mô hình của các quận, huyện đã triển khai để hoàn thành việc chuyển đổi theo lộ trình. UBND Thành phố rà soát lại và tăng vốn cho vay để chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác, phấn đấu đến đầu năm 2020 phải chuyển đổi xong.
Kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng
Đối với việc thực hiện Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM, tính đến nay sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có dấu hiệu chuyển biến tích cực, bình quân trong tháng 8 có 5,07 vụ vi phạm/ngày, giảm 3,43 vụ/ngày so với 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng công trình vi phạm xây dựng tồn tại trong thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý quyết liệt.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Xây dựng sớm hoàn chỉnh tài liệu hỏi đáp về xây dựng nhà ở triển khai cho 24 quận, huyện làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân để thực hiện đúng quy định. Tổ chức việc niêm yết giấy phép xây dựng của các công trình nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong phát hiện, tố giác các vi phạm pháp luật về xây dựng.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo và có giải pháp kịp thời ghi nhận, nhanh chóng xử lý các ý kiến phản ánh của người dân về đất đai, quy hoạch, xây dựng. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát tình hình xây dựng, đảm bảo 100% công trình xây dựng được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên và cấp ủy cùng cấp khi để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng mà không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý Trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện để làm cơ sở phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng. TP.HCM phải phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm tối đa xây dựng không phép, trái phép; đến tháng 3/2020, xử lý dứt điểm các sai phạm cũ.