Môi trường

TP.HCM triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW: Công tác bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu

Nguyễn Thanh 24/08/2023 - 14:14

(TN&MT) - Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường(BVMT) (Nghị quyết

24-NQ/TW), TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được các kết quả quan trọng trong công tác BVMT. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, công tác BVMT tại TP.HCM đã thực sự đi vào chiều sâu, góp phần vào mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh.

Nâng tầm ý thức của cộng đồng

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: Bắt đầu từ năm 2006, nhất là sau khi có Nghị quyết 24-NQ/TW, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đã được TP.HCM tập trung triển khai thực hiện với các chủ trương, mục tiêu cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, chất thải…, từ đó góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng thành phố xanh, sạch, phát triển bền vững.

13.jpg
Một điểm đen ô nhiễm về rác thải trên địa bàn TP.HCM đã được cải tạo thành vườn hoa

Trong đó, TP.HCM dành nhiều sự tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức BVMT, sống “xanh” cho cộng đồng dân cư. Đến nay, thành phố đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về BĐKH, BVMT; đồng thời, chính quyền cũng thường xuyên đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Cùng với đó, TP.HCM cũng đã triển khai và phát triển một số phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận cũng như xử lý ý kiến, phản ánh của người dân thành phố về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch và các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về BVMT; kịp thời giải quyết triệt để các phản ánh của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và trật tự đô thị theo thẩm quyền.

Vì vậy, công tác BVMT, ứng phó BĐKH của TP.HCM đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rộng rãi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Điển hình như việc triển khai thành công Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Sau 5 năm triển khai, Cuộc vận động đã tạo ra được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng, từ đó giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị của thành phố.

Kiểm soát chặt các nguồn thải

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, TP.HCM đã có nhiều giải pháp để ngăn ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đều đã được di dời vào khu công nghiệp tập trung; 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xây dựng hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý. Hầu hết các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 50m3 trở lên cũng đã được kiểm soát; các cơ sở về thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, các siêu thị đều có hệ thống xử lý nước thải.

Về công tác quản lý chất thải rắn, TP.HCM cũng đã quy hoạch và xây dựng được 2 Khu liên hợp xử lý chất thải, đảm bảo tiếp nhận an toàn và xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố vào khoảng 9.500 - 10.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Ngoài ra, TP.HCM còn có các giải pháp đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Theo đó, thành phố đã thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập từ tổ rác dân lập sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp có pháp nhân; đồng thời, chuyển đổi các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; gắn GPS trên phương tiện vận chuyển để theo dõi hành trình vận chuyển chất thải; lắp đặt camera giám sát tại các trạm trung chuyển rác nhằm không để phát sinh ô nhiễm môi trường…

Hiện nay, TP.HCM đang tăng tốc triển khai thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt hiện hữu sang công nghệ đốt rác phát điện; đẩy mạnh triển khai chương trình giảm chất thải nhựa; đồng thời, triển khai chương trình quản lý, thu gom, xử lý chất thải nguy hại của các hộ gia đình và chủ nguồn thải phát sinh trên địa bàn.

Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp trong việc lưu chứa, xử lý an toàn khối lượng khổng lồ chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm, không phát tán mầm bệnh, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.

Bên cạnh đó, các biện pháp kinh tế, kỹ thuật về BVMT đã được TP.HCM tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh việc thu phí nước thải công nghiệp, tập trung đối với các ngành nghề sản xuất có tải lượng ô nhiễm cao; triển khai việc thu phí vệ sinh và phí BVMT đối với chất thải rắn thông thường; ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm… trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho hay: Từ nay đến năm 2025, hướng tới năm 2030 là giai đoạn hết sức quan trọng đối với việc đầu tư trọng tâm cho công tác quản lý, BVMT đã được quy định theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Việc đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW: Công tác bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO