Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM (có hiệu lực từ 24/11/2018), chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Các tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt bắt buộc phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định.
Nếu các chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định (Nghị định 155 của Chính phủ quy định phạt tiền 15 - 20 triệu đồng). Vậy, TP.HCM sẽ tiến hành xử phạt chủ nguồn thải không thực hiện phân loại rác ngay không và quy trình xử phạt như thế nào?
Với câu hỏi này, Sở TN&MT TP.HCM cho rằng: Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM là cơ sở, là hành lang pháp lý để thành phố đẩy mạnh triển khai công tác phân loại rác tại nguồn, đảm bảo sau năm 2020 được triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố. Vì vậy, trong năm 2019 - 2020, TP.HCM sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hình thành thói quen phân loại rác, chưa đặt nặng vấn đề xử phạt.
Để người dân ý thức và thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn thì công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức sao cho tất cả các cá nhân sống trên địa bàn được tập huấn và hiểu rõ rác tại nguồn. Đồng thời, cần kết hợp với công tác hậu kiểm, đánh giá cụ thể tỷ lệ phân loại đúng của từng chủ nguồn thải để có biện pháp tuyên truyền bổ sung và điều chỉnh nội dung tuyên truyền.
Đối với vấn đề phương tiện, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải được phân loại tại nguồn sẽ được thực hiện như thế nào để việc phân loại của người dân phát huy hiệu quả, Sở TN&MT cho biết đây là vấn đề rất quan trọng và liên quan đến lực lượng thu gom rác dân lập vốn chưa được quản lý chặt chẽ. Hiện nay, lực lượng thu gom rác dân lập đảm nhận thu gom 60% khối lượng chất thải rắn từ chủ nguồn thải.
Do đó, việc quản lý lực lượng này cần phải được chính quyền địa phương lưu tâm đặc biệt. Các quận, huyện cần nắm được hiện trạng và hoạt động của lực lượng này; tổ chức thống kê, cập nhật đầy đủ dữ liệu về hoạt động thu gom rác của cá nhân, Hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức trao đổi, đối thoại với lực lượng thu gom rác dân lập để hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của lực lượng này.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần kiên quyết bác bỏ những lập luận, những đề xuất không có cơ sở pháp lý của lực lượng thu gom rác dân lập; kiên quyết xử lý những cá nhân cố tình không thực hiện thu gom riêng biệt chất thải, không thu gom rác đúng giờ quy định, không chịu thực hiện chuyển đổi phương tiện theo kế hoạch chung của quận, huyện.
Để hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các Công ty Dịch vụ công ích quận, huyện hoặc đơn vị trúng thầu vận chuyển chất thải tăng cường số lượng phương tiện vận chuyển và tần suất quay vòng để hỗ trợ tiếp nhận nhanh chóng chất thải từ thùng rác 660 lít, đảm bảo người thu gom rác di chuyển trong bán kính dưới 1 km. Ngoài ra, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn là đầu mối chủ trì hỗ trợ giải quyết cho lực lượng thu gom rác (nếu có nhu cầu) trong việc thương thảo với chủ nguồn thải có nhu cầu thu gom bổ sung với thời gian ngoài khung giờ quy định…
Về phương tiện thu gom, vận chuyển rác, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, chậm nhất trong tháng 10/2019, Thành phố phải hoàn thành việc chuẩn hóa mẫu xe thu gom rác. Về quy định chung về kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ chủ nguồn thải: Phương tiện cơ giới phải đáp ứng các quy định của Luật Giao thông đường bộ và được Cục Đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại xe “Ô tô chở rác”. Đồng thời, thùng xe kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác.
Theo dự kiến, sẽ có tổng số 880 phương tiện phải chuyển đổi. Thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập vay ưu đãi để chuyển đổi phương tiện thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường của thành phố: vay 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm, thời gian vay 05 năm.
Về các nhà máy để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: VietStar và Tâm Sinh Nghĩa (Phước Hiệp, Củ Chi) và Đa Phước (Đa Phước, Bình Chánh) đều có quy trình tiếp nhận và xử lý riêng chất thải hữu cơ để sản xuất phân compost; chất thải còn lại tiếp tục được phân loại, tận thu phế liệu để tái chế; phần chất thải còn lịa loại ra từ quá trình sản xuất phân compost và tái chế được chôn lấp hoặc đốt…
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng khẳng định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM đã tính đúng, tính đủ cho tất cả các công đoạn từ thu gom tại nguồn đến vận chuyển và xử lý chất thải. Mặt khác, giá dịch vụ được tính dựa theo khối lượng phát thải (đồng/kg), phát thải càng nhiều thì mức chi trả sẽ càng cao. Do đó, khi người dân thực hiện phân loại tốt (tận dụng phế liệu bán ve chai hoặc cho lực lượng thu gom) thì sẽ giảm khối lượng chất thải rắn phải chuyển giao, do đó sẽ chi trả mức giá dịch vụ thấp hơn.