TP.HCM sau 43 năm giải phóng: Lực đẩy để “đầu tàu” bứt phá

30/04/2018 07:36

(TN&MT) -  Nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của những năm đầu giải phóng, TP.HCM đã sớm gánh trọng trách là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Không tự mãn với những gì đang có, từ năm 2018, TP.HCM tạo một bước chuyển mới bằng việc thí điểm cơ chế đặc thù, đây được coi là quyết sách mang tính đột phá để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Vượt qua khó khăn những ngày đầu gian khó

Trong tài liệu “TP.HCM – 40 năm phát triển, hội nhập: Những mốc son và những sự kiện lịch sử” đã dành một phần in đậm những năm tháng khó khăn không thể nào quên của thành phố trong những năm đầu giải phóng.

Lúc đó, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút nghiêm trọng; sản xuất, dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục; thiên tai xảy ra ba năm liền ở Nam bộ ảnh hưởng đến vựa lúa ĐBSCL... Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Sài Gòn phải ăn độn bo bo, khoai, sắn..

thuong xa tax tai sai gon 1
TP.HCM những năm 1980

Với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, trong điều kiện cuộc đấu tranh giữa bảo thù và trì trệ với đổi mới cách nghĩ, các làm diễn ra gay gắt… TP.HCM  “lần mò” tiến hành những việc làm đầy táo bạo như xóa bao cấp, thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, vấn đề cải tạo công thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp…

Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, TP.HCM đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng; đã giữ vững chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới.

Nhờ vậy, từ mức tăng trưởng  2.18%/ năm của giai đoạn 1976 – 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP.HCM  thời kỳ 1980 – 1985 đạt 8,17% /năm; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.
 

26232110 1972428652772383 3635205614108297814 o


Tăng tốc, xứng danh “đầu tàu”

Những kết quả thử nghiệm đổi mới tại TP.HCM chính là tiền đề quan trọng, thực tiễn để năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ đây, TP.HCM cùng cả nước đã dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào thời kỳ lịch sử mới.

Với tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp, kinh tế TP.HCM tăng trưởng liên tục, kể cả trong những giai đoạn đất nước gặp bất lợi từ thế giới.Từ 1991 đến 1995, kinh tế thành phố tăng mạnh, từ 9,8% năm 1991 lên 15,3% năm 1995. Thời kỳ 1996 – 2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ, tốc độ tăng trưởng GDP có giảm sút nhưng TP.HCM vẫn là một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước (9,0%). Bước vào thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố tăng liên tục trong 6 năm liền, từ 9,5% năm 2001 lên 11,6% năm 2004, 12,2% năm 2006 và 12,6% năm 2007.

IMG 5944
Những cao ốc hiện đại khu vực trung tâm TP.HCM ngày nay

Năm 2008 - 2010, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, TP.HCM chính là “đầu tàu” kéo cả nước từng bước vượt qua khó khăn, duy trì lại tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Từ năm 2011 đến nay, TP.HCM đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ từ 9 - 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế nhanh, mức sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. GDP đầu người/năm năm 1985 đạt 586 USD, đến năm 2017 đã nâng lên xấp xỉ 5.500 USD/người/năm.

So sánh cả về con số tuyệt đối và tương đối, quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp của TP.HCM cho cả nước ngày càng lớn. Ðến nay, thành phố đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Có thể nói, vai trò “đầu tàu” của TP.HCM được thể hiện rõ nhất ở con số tổng thu và sử dụng ngân sách. Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt 347.882 tỷ đồng. Còn nhớ những ngày cuối năm 2017, những vị lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM lo lắng vì chỉ tiêu thu ngân sách chưa hoàn thành, bởi nếu TP.HCM không thu đủ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng thu của ngân sách quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang “căng thẳng” như hiện nay.

Nhưng, bằng mọi sự nỗ lực, những giờ cuối cùng của ngày 31/12/2017, tổng thu ngân sách của thành phố không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu đề ra. Cũng với nhiệm vụ này, năm 2018, TP.HCM phấn đấu thu ngân sách đạt 376.789 tỷ đồng; có nghĩa là mỗi ngày thành phố phải thu 1.203 tỷ đồng.

Tuy thu nhiều,  nhưng TP.HCM chỉ được giữ lại 17% tổng thu ngân sách. Nhận định về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM đang thể hiện rõ trách nhiệm với cả nước, đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn.

Ngày nay, diện mạo đô thị TP.HCM ngày càng hiện đại, nhiều khu đô thị mới được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, quy mô không thua kém gì các đô thị lớn trên thế giới như khu Phú Mỹ Hưng, khu Thủ Thiêm…; khu vực trung tâm thành phố có diện tích 930 ha với những tòa nhà chọc trời, rực rỡ ánh sáng lấp lánh sông Sài Gòn khi thành phố lên đèn. “Sài Gòn – TP.HCM của chúng ta “hoành tráng” đâu có thua kém gì Băng Cốc, Singapo, Kula Lumper…?” – nhiều người đã từng đôi lần thầm nghĩ hay nói cho những người xung quanh như thế!

TP.HCM không chỉ là thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo mà còn thấm đẫm nghĩa tình…Những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo không ngừng được phát huy. TP.HCM là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương, chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nụ cười cho trẻ thơ…
 

29101999 2046761868672394 1118386853695717376 o


“Đầu tàu” sẽ tiếp tục bứt phá!

Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM,  thời gian thí điểm 5 năm. Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), Nghị quyết 54 sẽ tạo động lực mới để TPHCM giải phóng mọi tiềm năng, tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các thách thức trong bối cảnh sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. Đây được coi là quyết sách đột phá để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước.

Đơn cử như, trong lĩnh vực đất đai, HĐND Thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà không phải thông qua Quốc hội như trước; về cơ chế ủy quyền, Chủ tịch UBND Thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND Thành phố; về thẩm quyền quản lý tài chính – ngân sách, HĐND TP.HCM được đề xuất áp mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT, hoặc được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí, đồng thời được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội…

31422828 10210307023866122 467523292001992704 n
Triển khai cơ chế đặc thù là quyết sách đột phá để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có tính thời cơ cách mạng, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề của thành phố trong tổ chức thực hiện thí điểm. Việc TPHCM thí điểm thành công không chỉ tạo động lực cho phát triển của TPHCM, mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước. Cụ thể sẽ đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề phân cấp, ủy quyền, tăng tính tự chủ về tài chính, tăng thẩm quyền cho chính quyền các cấp ở địa phương trong một số lĩnh vực.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM  cho rằng,  Nghị quyết 54 sẽ là động lực để TPHCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, và từ đây Trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TPHCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sau 43 năm giải phóng: Lực đẩy để “đầu tàu” bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO