Xã hội

TP.HCM: Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước

Nguyễn Thanh 02/10/2023 - 18:03

(TN&MT) -UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo tiêu chuẩn nghèo Thành phố.

tang-bo.jpg
Tặng bò giống cho hộ nghèo huyện Củ Chi

Còn 39.368 hộ nghèo, hộ cận nghèo

Giai đoạn 2021 -2025, TP.HCM thống kê có 58.019 hộ nghèo và cận nghèo (trong đó 37.772 hộ nghèo và 20.247 hộ cận nghèo) cần được hỗ trợ. Đến cuối năm 2021, Thành phố còn lại 56.226 hộ (trong đó 36.664 hộ nghèo và 19.562 hộ cận nghèo). Trong năm 2022, TP.HCM giảm được 16.151 hộ nghèo và giảm 9.723 hộ cận nghèo.

Tính đến tháng 6/2023, TP.HCM còn 39.368 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.683 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 1,55% trên tổng dân số Thành phố ).

Theo UBND TP.HCM, mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, TP.HCM phấn đấu mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập và tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm – bảo hiểm xã hội, điều kiện sống)…

Về nguồn lực, do TP.HCM là đô thị không có huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo theo quy định của Trung ương nên Thành phố không áp dụng thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Nguồn lực để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 được sử dụng từ nguồn ngân sách Thành phố, quận, huyện, TP. Thủ Đức và nguồn vận động từ cộng đồng xã hội. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM huy động thêm nguồn kinh phí của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để bổ sung cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2021 -2025, TP.HCM dự kiến bố trí cho chương trình giảm nghèo bền vững hơn 15.144 tỉ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát chuẩn cận nghèo tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tính đến tháng 6.2023, TP.HCM đã huy động hơn 7.900 tỉ đồng cho chương trình, gồm hỗ trợ không hoàn lại 679 tỉ đồng, vốn cho vay tín dụng và ưu đãi là 7.215 tỉ đồng và 23 tỉ đồng kinh phí thực hiện chương trình. TP.HCM đã chi hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, giúp người dân tiếp cận điện và nước sạch, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, miễn giảm học phí và chi phí học tập, trợ giúp pháp lý…

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã giúp đa phần hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, tìm kiếm việc làm nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Dù vậy, vẫn còn một số hộ có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách hỗ trợ.

370490377_680851987400640_982313876203586991_n.jpg
Một điểm tư vấn hỗ trợ nông dân về giống, vật tư phục vụ sản xuất

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo tiêu chuẩn nghèo Thành phô. Cụ thể, đến cuối năm 2025 còn hơn 3.300 hộ nghèo và hơn 21.200 hộ cận nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu này, TP.HCM sẽ tiếp tục quán triệt thông suốt về nhận thức, tư tưởng trong nội bộ Đảng, chính quyền ở các cấp, các ngành và tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trong nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của Chương trình giảm nghèo, giúp cho người dân tiếp cận nắm chắc, đầy đủ và kịp thời những chủ trương, chính sách của Chương trình, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các hoạt động.

Tiếp tục thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo đa chiều vào các chương trình kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn. Các sở, ban, ngành Thành phố được giao nhiệm vụ theo chức năng của mình chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể tại quận, huyện và TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn lồng ghép vào trong kế hoạch thường xuyên;

Theo UBND TP.HCM, các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tổ chức sản xuất – kinh doanh – dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ phải hỗ trợ cụ thể, tác động trực tiếp cho từng thành viên hộ nghèo và hộ cận nghèo ( không trùng lắp, không sót đối tượng); thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ có điều kiện đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, việc làm, bảo hiểm xã hội.

Thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo chủ động tiếp cận chính sách giảm nghèo và tự vươn lên thoát nghèo; phê phán tình trạng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ chính sách của nhà nước và của cộng đồng.

Đồng thời, TP.HCM sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng nguồn lực để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO