TP.HCM: Nhiều khó khăn khi thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn

30/11/2018 17:00

(TN&MT) - Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, thì từ ngày 24/11, người dân bắt buộc phải phân loại rác trước khi vứt. Tuy nhiên, để Quyết định 44 được triển khai hiệu quả thì TP.HCM còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

hinh 2
Một phương tiện vận chuyển rác sinh hoạt của đơn vị thu gom rác dân lập không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường

Theo Quyết định 44, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đồng thời, chất thải rắn sinh hoạt phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại khi đang hoạt động phải được dán dòng chữ nhận biết trên xe; đồng thời phải đảm bảo về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, không rơi vãi rác thải và nước thải trong quá trình thu gom, vận chuyển.

Theo UBND TP.HCM, tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định (trừ các khu vực chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt). Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp phù hợp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 20, Nghị định 155 của Chính phủ  quy định về xử phạt  hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Chương trình phân loại rác tại nguồn đã được Thành phố triển khai thí điểm từ năm 2006 tại một số quận. Tuy nhiên chương trình này chưa đem lại hiệu quả như mong đợi bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu cơ sở pháp lý, quy định bắt buộc. Chính vì vậy, Quyết định số 44 chính là một cơ sở pháp lý quan trọng để TP.HCM quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình phân loại rác tại nguồn. Ngay sau khi Quyết định 44 của UBND TP.HCM được ban hành, Sở TN&MT đã có văn bản và  tổ chức hội nghị hướng dẫn Phòng TN&MT các quận huyện, Công ty Môi trường đô thị thành phố, các Công ty dịch vụ công ích, các Hợp tác xã thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.

hinh 1
Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức vứt rác ra đường

Tuy nhiên, để việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên toàn địa bàn được triển khai đạt hiệu quả, rộng khắp, đúng kế hoạch, thì TP.HCM còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, chính là ý thức chấp hành của người dân, bởi từ lâu nay một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức xả rác nơi công cộng, xuống kênh rạch. Nay, yêu cầu bộ phận người dân này thực hiện ngay việc phân loại rác tại nguồn thì càng không phải là một việc dễ dàng.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, mặc dù Quyết định 44 có quy định xử phạt về hành vi không phân loại rác, nhưng  mục tiêu của thành phố không phải xử phạt để lấy tiền, mà muốn người dân nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác tại nguồn; đồng thời tham mưu cho UBND Thành phố một lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Một khó khăn nữa để chương trình phân loại rác tại nguồn khó đạt hiệu quả chính là việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập. Bởi nhiều phương tiện thu gom rác dân lập hiện nay vừa không đạt các tiêu chuẩn về môi trường vừa không đạt các yêu cầu kỹ thuật để vận chuyển rác thải đã phân loại. Người dân khi nhìn thấy các phương tiện vận chuyển rác không có ngăn riêng cho từng loại rác thì người dân dù có ý thức phân loại rác tại gia đình cũng sẽ bỏ cuộc.

Đại diện Hợp tác xã thu gom Nhơn Phú (quận 9) cho rằng, việc đầu tư các phương tiện thu gom rác đạt chuẩn đối với các đơn vị thu gom rác dân lập rất khó khăn do vấn đề kinh phí. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị Thành phố có những chính sách hỗ trợ kịp thời về lãi vay và thời gian cho vay để các đơn vị rác dân lập có điều kiện chuyển đổi các phương tiện. Theo đó, Quỹ Bảo vệ môi trường của thành phố nên giảm lãi suất cho vay hiện nay là khoảng 4%/năm xuống còn 0% và thời gian cho vay nên là 20 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nhiều khó khăn khi thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO