TP.HCM: Nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Nguyễn Quỳnh| 24/11/2020 12:04

(TN&MT) - TP.HCM sẽ thay đổi phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn từ 3 loại thành 2 loại: chất thải rắn có thể tái chế và chất thải còn lại.

Nhiều kết quả quan trọng

Từ năm 2005, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm thực hiện Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn tại một số địa bàn dân cư, chợ, siêu thị. Đặc biệt, từ 2017 đến nay, TP.HCM đã đẩy mạnh Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên diện rộng và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Để có cơ sở pháp lý để thực hiện Chương trình, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND làm cơ sở để thực hiện phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, để hỗ trợ cho Chương trình, thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý hoạt động lực lượng thu gom rác dân lập, chuyển đổi phương tiện, giá dịch vụ thu gom vận chuyển CTRSH, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại và xử lý chất thải khu vực nông thôn (chưa có hệ thống thu gom chất thải). Đến nay, UBND 24 quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đến 238/322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, chiếm tỷ lệ 74%.

Nhân viên thu gom rác đang phân loại rác thải tại một khu dân cư

Việc lồng ghép Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” vào công tác tuyên truyền phân loại CTRSH đã mang lại hiệu quả đột phá trong việc huy động được cả hệ thống chính trị gồm Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị, các cơ quan, Ban, ngành từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã tham gia. Thông qua công tác tuyên truyền, thành phố rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc vận động các tổ chức chính trị, đoàn thể. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân loại CTRSH mà còn giúp các phong trào vì thành phố “văn minh - sạch đẹp - an toàn - nghĩa tình” phát triển.

Đồng thời, TP.HCM đã thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý hệ thống phục vụ Chương trình phân loại CTRSH. Thông qua việc triển khai Chương trình, thành phố đã cơ bản xử lý được “vấn đề tồn tại nhức nhối” từ trước đến nay về quản lý rác dân lập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, buộc lực lượng này phải thay đổi, từng bước đáp ứng tốt các quy định quản lý Nhà nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ”, thay thế bằng các phương tiện mới, đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực năm 2015, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện được phân loại CTRSH (các địa phương còn lại chưa thực hiện hoặc thí điểm với quy mô nhỏ) với quy mô lớn, duy trì thực hiện liên tục và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực về mặt tuyên truyền, nhận thức của người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hệ thống thu gom tại nguồn.

“Trên cơ sở các kết quả đạt được cho thấy, để triển khai được những chương trình mang tính xã hội thì phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Ban cán sự Đảng, Thành ủy, UBND thành phố cùng với sự giám sát của HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ để tạo sự đồng bộ, thống nhất từ các cấp, các ngành trong công tác triển khai phân loại CTRSH” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện

Hiện nay, TP.HCM triển khai nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh xuống dưới 50% và đến năm 2025 xuống 20%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI đề ra đến năm 2025 tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (đến năm 2030).

Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên chính là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về giải pháp xử lý chất thải rắn tối ưu, tạo nền tảng cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, đơn vị xử lý rác thải có nhiều giải pháp hơn trong xử lý tái chế chất thải. Qua đó, không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội.

Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của TP.HCM khoảng 0,98 kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn theo tình hình mới, TP.HCM đang triển khai các bước đổi mới phương thức phân loại CTRSH thành hai nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Theo đó, từ đầu năm 2020, Sở TN&MT đã trình UBND thành phố Kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn theo hướng phân loại thành 2 nhóm chính là rác tái chế và rác còn lại để dễ thực hiện; đặc biệt không làm thay đổi phương thức thu gom, rác phát sinh tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn được thu gom hàng ngày.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý để triển khai công tác phân loại CTRSH theo phương thức mới, Sở TN&MT cũng đã có tờ trình gửi UBND thành phố về Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 của UBND thành phố quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, Sở TN&MT tham mưu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy định về phân loại CTRSH và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đến nay, Sở TN&MT đang hoàn thiện Dự thảo để trình UBND thành phố xem xét, sớm ban hành Quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO