Lãnh đạo HĐND TP.HCM chủ trì kỳ họp. |
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện lưu vực này có trên 1.600 hecta. Trong đó, Bình Dương có trên 1.400 hecta, còn lại TP.HCM là khoảng trên 160 hecta. Kênh này tiếp nhận 3 nguồn thải lớn nhất của tỉnh Bình Dương, đó là khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Trong cơ chế phối hợp với TP.HCM, từ năm 2008, cơ quan chức năng đã đề nghị 2 khu công nghiệp này lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất là khoảng 18.000 m3/ngày/đêm. Riêng công suất của hai khu công nghiệp này là 16.000 m3/ngày/đêm. Nguồn thải lớn thứ 2 là các doanh nghiệp trực thuộc tỉnh Bình Dương với khoảng 36 cơ sở năm ở khu vực này. Và 6 cụm dân cư của Bình Dương cũng nằm ở đầu lưu vực này. 3 nguồn thải lớn này hiện thải vào lưu vực của kênh Ba Bò gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng báo cáo về tình hình ô nhiễm kênh Ba Bò. |
Hiện TP.HCM đã giao cho chủ đầu tư là Trung tâm điều hành chống ngập nước Thành phố thực hiện công trình xử lý nước thải, dự kiến cuối tháng 7 năm nay sẽ hoàn thành, trong đó có hạng mục hồ sinh học xử lý và các công trình phụ trợ khác. Khi hiện nay, ở khu vực này vẫn còn mùi hôi, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nhìn nhận nguyên nhân là do các nguồn thải của Bình Dương xả thải trực tiếp vào kênh Ba Bò, vẫn còn đến 6 khu dân cư chưa được đầu tư thu gom hệ thống xử lý nước thải.
Giám đốc Trung tâm chống ngập - Nguyễn Ngọc Công phát biểu |
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư của Bình Dương có dự án là Nam Bình Dương để thực hiện việc thu gom nước thải của 6 khu dân cư này, xử lý trước khi thải ra kênh Ba Bò. Dự kiến cuối năm nay, Bình Dương sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải của 6 cụm dân cư. Tuy nhiên, hiện nay đang thực hiện quan trắc thủ công, còn hệ thống quan trắc tự động sẽ lắp trong gói công trình của hồ xử lý sinh học. Dự kiến cũng cuối tháng 7 này sẽ lắp quan trắc tự động.
Phân tích nguyên nhân gây mùi hôi từ kênh Ba Bò, ông Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận có 3 nguyên nhân: đó là nồng độ COD, BOD, H2S. Ông Thắng đề xuất, cần kiểm soát chặt chẽ những khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, cách thức vận hành và xem xét hệ thống xử lý nước thải hiện có thực sự vận hành hay không. Theo ông Thắng, quan trọng là giải pháp công trình, xây dựng, đưa vào vận hành công trình thu gom nước thải ở 6 khu dân cư.
Đối với TP.HCM, theo ông Nguyễn Tòan Thắng, cần hoàn thành ngay công trình hồ xử lý sinh học này, cùng với những giải pháp khác, xử lý cho được mùi hôi tại khu vực này.
Trong cơ chế phối hợp giữa TP.HCM và Bình Dương, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: “Bình Dương cũng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải thu gom của 6 khu dân cư trên địa bàn Bình Dương trước khi thải vào kênh Ba Bò của TP.HCM. Chính vì vậy, tỉnh Bình Dương bị ghi vốn hơn 3.000 tỷ đồng, để đầu tư dự án Nam Bình Dương nhằm thu gom toàn bộ nước thải của 6 khu dân cư này xử lý trước khi xả thải ra kênh Ba Bò. Lộ trình đầu tư dự án có kéo dài. Cùng với công trình hồ sinh học của TP.HCM, dự kiến cuối tháng 7 năm nay sẽ đưa vào vận hành”.
Đề cập đến hồ xử lý sinh học, Giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM - Nguyễn Ngọc Công cho rằng, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo tỉnh Bình Dương giải quyết 7 vấn đề về ô nhiễm liên quan đến nước thải sinh hoạt, công nghiệp ở cụm dân cư đó, xây dựng hồ điều tiết và bổ sung hồ xử lý sinh học. Hồ này chỉ duy nhất xử lý nước sinh hoạt, không xử lý được nước thải công nghiệp. Ông Công cho biết, ông cũng chưa rõ Bình Dương xây công trình xử lý nước thải xong chưa, nhưng vào buổi tối, khi ông đi ngang qua đây, thấy xuất hiện tình trạng nước đen và hôi, còn ban ngày thì không. Ông Công cho rằng, có thể nơi đây họ xả lén vào ban đêm.
Về trách nhiệm chủ đầu tư, theo ông Công, dự án này đã được điều chỉnh 4 lần, chỉ thay đổi kết cấu về loại vốn trong tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, dự án này kéo dài do công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài từ năm 2007 đến năm 2014. Trong đó, năm 2012, dự án này kéo dài đến 7 tháng do thay đổi toàn bộ cán bộ chủ chốt ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức. Đến tháng 2/2014, mới bàn giao được toàn bộ dự án này.
Tuy nhiên, khi thi công lại tiếp tục bị vướng vào quy chuẩn của ngành điện. 2 quan trắc tự động của gói thầu 5 tỷ đồng đã xây dựng xong từ năm 8/2016, khi đó, Điện lực TP.HCM mới thông báo theo quy chuẩn hiện nay của trạm biến áp có thay đổi. Do đó, trung tâm phải xin phép UBND TP, đến tháng 9/2016 mới điều chỉnh xong. Hiện dự án này đã lắp đặt đầy đủ, chuẩn bị đấu nối điện để vận hành 2 trạm quan trắc tự động vào khoảng 25/7/2017. Khi đó, chúng ta sẽ kiểm soát được lượng nước đầu vào từ Bình Dương dài 3,7 km vào hồ điều tiết.
Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cho biết thêm, cho đến nay, hồ sinh học chiếm khoảng 2,4 hecta, hồ điều tiết khoảng 5,7 hecta, chúng tôi đang làm đập chắn, xử dụng biện pháp màn chống thấm vì vẫn còn nước công nghiệp vào. Về nguyên tắc của hồ sinh học, người ta nuôi những vi khuẩn, sục khí, xử lý hàm lượng BOD, COD do nước thải sinh hoạt của người dân thải ra. Trước khi vận hành hồ sinh học, phải quan trắc từ đầu ra của các nguồn nước thải này để phát hiện xem có chất thải công nghiệp hay không.
Khẳng định quan điểm của mình, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sắp tới, UBND TP sẽ làm việc lại với tỉnh Bình Dương về vấn đề này.
Bài & ảnh: Thanh Bạch-Đông Phương