Môi trường

TP. HCM: Giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực giao thông

Nguyễn Thanh 28/09/2023 - 16:11

(TN&MT) - Nhằm giảm mức độ phát thải khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực giao thông (lĩnh vực phát thải các-bon đứng thứ 2 sau công nghiệp) hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng “0” vào năm 2050, TP.HCM sẽ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, chuyển đổi nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường.

Theo số liệu thống kê, hiện có gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác di chuyển vào thành phố. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.

“Dự án năng lượng phát tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ được triển khai từ 2022 sẽ hỗ trợ Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan thực hiện các công việc về quản lý năng lượng tại TP.HCM. Từ đó góp phần thực hiện công tác giảm nhẹ KNK.

Các hoạt động này gồm: Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng “0” của TP.HCM; hỗ trợ các đơn vị phát thải KNK lớn tại TP.HCM nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê KNK hằng năm; nghiên cứu các biện pháp xây dựng môi trường nước hiệu quả trong các cơ sở công lập tại thành phố; thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch của TP.HCM“.

Ông Cao Tung Sơn - Trưởng phòng Khí tượng thủy văn

và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM)

Kết quả của các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy, hoạt động giao thông hiện đang là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất trên địa bàn thành phố. Theo số liệu kiểm kê năm 2020, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải Nitric Oxit (NO), 90% Các-bon monoxit (CO) và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải KNK tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chiếm 45 % tổng lượng phát thải và hấp thụ KNK.

Còn theo nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Bristol (Vương quốc Anh), TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn các-bon/năm, trong đó, ngành công nghiệp chịu trách nhiệm khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Phát biểu tại Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động cho TP.HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” do Sở TN&MT TP.HCM và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức mới đây, PSG.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đề xuất các giải pháp cho 5 lĩnh vực nhằm giảm phát thải KNK, hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng “0” tại thành phố.

xe-bus-dien.jpg
TP.HCM đang chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường

Trong đó, đối với lĩnh vực giao thông, TP.HCM cần giảm tỉ lệ sử dụng xe máy, ô tô; tăng tỉ lệ dùng phương tiện công cộng như metro, xe buýt và xe đạp; đồng thời, thành phố cần tăng tỉ lệ sử dụng điện cho các loại phương tiện như xe khách, xe buýt, xe máy, ô tô điện; thay thế nhiên liệu điêzen (DO) sang khí thiên nhiên nén (CNG) thân thiện môi trường cho phương tiện...

Thời gian qua, TP.HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông. Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM đã từng bước chuyển đổi năng lượng xanh cho các phương tiện giao thông bởi đây là nguồn phát thải các-bon lớn thứ 2 sau hoạt động công nghiệp. Trong đó, đề án phát triển giao thông công cộng TP.HCM đến năm 2030, thành phố cũng đã đặt mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng phương tiện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 400 xe buýt chạy bằng CNG (chiếm 20% tổng số xe buýt đang hoạt động).

Theo Sở GTVT TP.HCM, TP.HCM hiện đang triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỉ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đạt 25%. Từ năm 2030, tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ đầu năm 2022, tuyến xe buýt điện đầu tiên D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) đã đưa vào hoạt động và được hành khách đánh giá cao về chất lượng phục vụ cũng như thân thiện môi trường. Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tuyến xe buýt D4 đã chạy khoảng 19.000 chuyến, chở khoảng 525.400 lượt khách. Bên cạnh đó, một số đề án về phát triển xe buýt điện loại nhỏ chở du khách ở khu vực trung tâm thành phố cũng đang được UBND TP.HCM thẩm định, chờ phê duyệt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO