TP.HCM: Đẩy mạnh phong trào “nói không với rác thải nhựa” trong trường học

Nguyễn Quỳnh| 17/12/2020 10:16

(TN&MT) - Triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa dùng một lần, “nói không với rác thải nhựa” trong trường học.

Thực hiện Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021 của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành giáo dục. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, tất cả các trường học trên địa bàn TP.HCM phải xây dựng nhà trường đạt yêu cầu “Văn minh, an toàn và xanh – sạch – đẹp”, thực hiện lớp học không rác và lễ hội không rác. Đặc biệt, các trường học cần kiên quyết nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt với những chậu hoa được làm từ sản phẩm nhựa đã qua sử dụng

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức lồng nghép (tích hợp) đưa nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh ở các cấp học, các trường học trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế sử dụng nước ống đóng chai (thể tích 330 – 500 ml) trong công sở, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn ( từ 20 lít trở lên) hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường.

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) cho biết: Một ngôi trường xanh phải bắt đầu từ không rác thải nhựa. Sử dụng đồ dùng nhựa là một thói quen khó bỏ, vì vậy, cần có phương pháp để hình thành thói quen hạn chế dùng sản phẩm nhựa hàng ngày cho các em học sinh, nếu được thực hiện thường xuyên, hàng ngày thì nhất định sẽ đạt kết quả. Cho nên, trong buổi học, các em đã được các thầy cô chỉ dạy cho cách phân biệt rác thải dễ phân huỷ và rác thải khó phân huỷ. Theo đó, trong lớp học, ít nhất mỗi em học sinh sẽ được thực hành 1 lần việc phân loại và bỏ rác thải vào đúng nơi quy định.

Tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1), để bắt đầu Chiến dịch “nói không với rác thải nhựa”, Nhà trường đã thay toàn bộ ly nhựa bằng ly giấy ở căng tin của trường. Điều này giúp cho các em học sinh tập làm quen với thói quen phân loại rác thải và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, các bậc phụ huynh có thể tham gia cùng con. Đây cũng là đối tượng thứ 2 mà nhà trường hướng tới trong mục tiêu xây dựng trường học không rác thải nhựa và gia đình không rác thải nhựa. Bởi chính các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên trong gia đình mình.

Trong thời gian qua, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (Quận 9) cũng đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng việc thực hiện hạn chế và từng bước nói không với túi ni lông và đồ dùng nhựa dùng một lần trong Nhà trường. Để làm được điều này, Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền về tác hại của túi ni lông đối với môi trường mà còn thực hiện bằng những hành động cụ thể. Điển hình là việc Ban Giám hiệu đã lên kế hoạch vận động toàn thể giáo viên và học sinh sử dụng hộp đựng đồ ăn dùng nhiều lần để mang đồ ăn sáng tới trường. Đầu tiên, Ban Giám hiệu Nhà trường và toàn thể cán bộ, giáo viên đã gương mẫu, tiên phong thực hiện. Đến nay, hầu hết giáo viên, học sinh của Trường khi mang đồ ăn sáng tới đều dùng hộp đựng nhiều lần và bình nước chuyên dùng, không sử dụng hộp xốp và túi ni lông. 

Ngoài ra, theo cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, để giúp học sinh hiểu được giá trị và biết cách tái chế, tái sử dụng rác thải, Nhà trường đã phát động thi đua sáng tạo tái chế rác thải rắn trở thành vật dụng hữu ích. Theo đó, các thầy cô giáo và học sinh đã tận dụng vỏ lốp xe hơi cũ, vỏ can nhựa đựng xà bông, nước xả vải tái chế, sơn vẽ trang trí thành các sản phẩm phục vụ học sinh học tập môn thể dục, giáo dục thể chất, vui chơi và làm thành các bồn cây sinh động để trồng rau, trồng hoa…

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường của các em học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước càng phải được ưu tiên hơn hết.

Thời gian qua, Sở TN&MT và Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học. Nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường trong trường học đã được tiếp tục duy trì từng bước nhân rộng, nhiều chương trình đã thành thân quen như “Chương trình 3T trong trường học”, Chương trình Truyền thông học đường về bảo vệ môi trường, Cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải”, Giải thưởng Trường học xanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Đẩy mạnh phong trào “nói không với rác thải nhựa” trong trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO