Môi trường

TP.HCM: Chính sách giảm nghèo là "cứu cánh" cho người nông dân

Nguyễn Thanh 30/06/2023 - 23:11

(TN&MT) -Nhờ các chính sách giảm nghèo đồng bộ, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều hộ nông dân tại TP.HCM thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân TP.HCM không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện môi trường.

a1-ho-tro-nguoi-dan.jpg
Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi) trao tặng bò cho một hộ nghèo

Thoát nghèo vươn lên làm giàu

Theo UBND TP.HCM, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng với nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, TP.HCM đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Thành phố cũng hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 trước 2 năm.

Tính đến cuối năm 2022, TP.HCM còn 3.128 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,13% tổng hộ dân và 15.197 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,62% tổng hộ dân. TP.HCM không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công; 5 quận và 85 phường của 12 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.

Để đạt được kết quả trên, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực chất, trong đó có việc hỗ trợ công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế, vốn vay...cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, buôn bán tại các khu vực nông thôn.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM cho biết: Hội Nông dân thành phố xác định công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế chính mang tính tiên quyết trong quá trình nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bền vững của hội viên nông dân. Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã tích cực khảo sát, tìm hiểu đời sống của từng hộ hội viên nghèo, cận nghèo, từ đó đã hỗ trợ 657 bộ công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế trị giá 9 tỷ 570 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu mưu sinh của 659 hộ hội viên nông dân.

Tại Củ Chi, mô hình trao phương tiện sinh kế là một trong những mô hình hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng trên toàn địa bàn huyện. Với phương châm "Cho cần câu chứ không cho con cá", mô hình đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Các phương tiện được trao tặng dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân hộ nghèo như: máy may, xe bánh mì, xe nước mía, xe gắn máy… đã giúp hàng trăm hộ nghèo có cơ hội mưu sinh phù hợp với bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chương trình trao bò giống cho hộ nghèo tại xã Phạm Văn Cội đã giúp hàng chục hộ gia đình của xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và hỗ trợ các hộ dân khác cùng vươn lên. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Phương (Hiệp Phước, Nhà Bè), nhờ được Hội Nông dân huyện Nhà Bè giới thiệu vay vốn tín dụng thông qua các chính sách hỗ trợ lãi vay, ông đã mạnh dạn triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap và rất thành công với mô hình này. Sau đó, ông Phương đã hỗ trợ 02 hộ dân tại địa phương ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Ngoài ra, ông Phương còn tham gia hiến gần 500 m2 đất nâng cấp mở rộng đường, cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hiệp Phước.

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Củ Chi) chủ yếu làm lúa nước, cuộc sống bấp bênh, được sự vận động của UBND, Hội Nông dân xã Bình Lợi, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư nuôi cá kiểng. Đến nay, nhờ kịp thời chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Phong có cuộc sống khá giả, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

a22-san-xuat-bvmt.jpg
Mô hình nuôi tôm thân thiện môi trường tại huyện Nhà Bè

Sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường

Tại TP.HCM, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của các hộ dân không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn thân thiện môi trường. Trong đó, Hội Nông dân huyện Nhà Bè cũng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, tại xã Hiệp Phước đã hình thành khu vực nuôi tôm công nghiệp chuyên canh rộng 196ha. Để đảm bảo chất lượng môi trường nguồn nước, cán bộ hội nông dân sẽ đến từng hộ nuôi tôm đề nghị ký cam kết không vứt bao bì, chai lọ thức ăn, thuốc thủy sản xuống kênh, rạch mà thực hiện tiêu hủy…

Tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), mô hình cánh đồng Xanh – Sạch – Đẹp được Hôi Nông Dân xã triển khai trên khu vực trồng lúa rộng 150ha. Tại khu vực này, 40 thùng rác loại lớn với tổng kinh phí 12 triệu đồng được được bố trí để nông dân chứa bao bì, chai lọ của phân, thuốc bảo vật thực vật. Thời gian qua, mô hình này đã giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường nông thôn.

Được biết, thời gian qua, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến công tác giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải trong sản xuất nông nghiệp ở các xã đang xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2022-2025, đối với lĩnh vực trồng trọt, TP.HCM đặt mục tiêu giảm thiểu tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.

Với lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom phân loại được tối thiểu 80%, và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom phân loại được tối thiểu 80%, và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Chính sách giảm nghèo là "cứu cánh" cho người nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO