Đi trên con phố đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương (Hài Dương) sầm uất, đông đúc dân cư… một hình ảnh ai dễ dàng nhìn thấy một khu đất “vàng” vuông vức, với diện tích trên hai nghìn m2 luôn kín cổng cao tường, nhưng không che được cỏ dại mọc um tùm “nhếch nhác” các loại cây tre, nứa…. mà người dân dùng bắc giàn, trồng bầu, bí, rau quả. Khi chúng tôi hỏi một số người dân sống gần lô đất “bỏ hoang”, mọi người đều lắc đầu ngao ngán, với cái chẹp miệng và tiếng thở dài… Bởi vị trí lô đất ở địa điểm quá lý tưởng, khó tìm trên địa bàn thành phố Hải Dương được một diện tích đất như vậy, nhưng đã hơn 20 năm qua không được sử dụng, các gia đình lân cận tiếc đất đã tận dụng diện tích này, để sang trồng chuối, rau, nuôi gà và chứa vật liệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyền Đình Hà, ngõ 56, đường Lê Thánh Tông nhà gần lô đất bỏ hoang, than thở: “Đã hơn hai thập kỷ trôi qua, sống ở đây nên tôi biết rất rõ, một khu đất đẹp như vậy mà “bỏ hoang, bỏ phí” bao năm qua như vô chủ. Vậy mà, chính quyền thành phố, tỉnh Hải Dương không có giải pháp thu hồi cho tập thể, hay cá nhân nào thuê lại làm lãng phí nguồn tài nguyên của Nhà nước, thất thoát lớn nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Bởi nếu diện tích đất này cho thuê, thì hàng năm thu số tiền ít nhất cũng đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng không hiểu sao, đơn vị nào từ ngày thuê đất đến nay, không hề triển khai Dự án, chỉ xây được tường rào bao quanh và làm được hai cái cổng vào.”
Theo bà Đặng Thị Xuân, đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, thì: "Khu đất “vàng” này, được tỉnh Hải Dương giao cho doanh nghiệp để xây dựng trụ sở làm việc, nhưng bao năm nay vẫn bỏ không. Người dân xung quanh thấy đất bị bỏ lãng phí nên trồng chuối, rau và nuôi gà. Ở ngay khu phố đông đúc, sầm uất… bậc nhất của thành phố Hải Dương “bỗng nhiên” có lô đất rộng hàng nghìn mét vuông, để người dân vào làm đủ các “thể loại” khiến cho khu phố bị biến dạng, nhếch nhác; ai đi qua cũng đặt ra câu hỏi và ngỡ ngàng trước diện tích đất đẹp như vậy, mà như “bãi tha ma” vô chủ đã vài chục năm qua. Người dân không những đặt ra nhiều câu hỏi, mà còn rất bức xúc vì mỗi tấc đất ở đây còn quý hơn cả “tấc vàng”. Trong khi nhiều hộ gia đình, mong muốn chỉ có khoảng nửa mét, đến một mét vuông để kinh doanh, buôn bán thì ngay ở kế bên là cả lô đất đẹp, bằng phẳng rộng “mênh mông, bể sở” lại bỏ không. Người dân khu phố cứ nghe “đồn thổi” khu đất này tương lai sẽ xây tòa nhà 9 tầng xong năm này, qua năm khác vẫn trống trơn."
Đại diện chính quyền phường Lê Thanh Nghị, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Khu đất này nằm cạnh Công ty CP Vận tải thủy Hải Dương, được UBND tỉnh giao cho Công ty Xi măng Phúc Sơn từ năm 1996 theo hình thức góp vốn cổ phần với giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Công ty không phải trả tiền thuế sử dụng đất hằng năm. Ban đầu khi nhận đất, Công ty dự định xây dựng Văn phòng đại diện. nhưng do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nên Công ty chưa thực hiện được. Mặc dù, đất thuộc địa phận của phường, nhưng tỉnh Hải Dương giao cho doanh nghiệp liên doanh, nên phường không có trách nhiệm quản lý.”
Qau tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày 7/11/1996 xét đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) qua Công văn số 675- TT/UB ngày 14/9/1996 và của Tổng cục Địa chính, Công văn số 1411/TT/ĐC ngày 25/10/1996. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 82/TTg, về việc cho Công ty xi măng Hải Hưng thuê đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, thị xã Hải Dương (nay là phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương) để xây dựng trụ sở xi măng Công ty Phúc Sơn. Trong đó, Quyết định ghi rõ: Điều 1 – Thu hồi 2.146m2 đất tại số 5, đường Thống Nhất, phường Trần Phú, thị xã Hải Dương và cho Công ty xi măng Hải Hưng thuê toàn bộ diện tích đất trên, để xây dựng trụ sở Công ty xi măng Phúc Sơn.
Vị trí ranh giới khu đất cho thuê xác định, theo tờ bản đồ địa chính khu đất xây dựng trụ sở Công ty xi măng Phúc Sơn, tỷ lệ 1:200 được UBND tỉnh Hải Hưng duyệt ngày 14/9/1996. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư. Giá trị tiền thuê 2.146m2 đất trong 50 năm giao cho Công ty xi măng Hải Hưng sử dụng để góp vốn liên doanh của bên Việt Nam, trong Công ty xi măng Phúc Sơn. Công ty xi măng Hải Hưng có trách nhiệm ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính Hải Hưng, nhận nợ và hoàn trả tiền thuê đất theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 2 – Căn cứ vào Điều 1 của Quyết định này, UBND tỉnh Hải Hưng có trách nhiệm: Xác định mốc giới khu đất cho thuê trên bản đồ và trên thực địa đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, Cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty xi măng Phúc Sơn. Chỉ đạo thu tiền nộp Ngân sách Nhà nước, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng đất theo đúng Luật đất đai. Sau đó, UBND tỉnh Hải Hưng đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty xi măng Phúc Sơn, từ đó cho đến nay diện tích đất này đã 23 năm bỏ hoang hóa, không thực hiện dự án.
Với trách nhiệm đã được giao rõ ràng, nhưng không biết tại sao trong một thời gian dài gần nửa thời gian liên doanh giữa Công ty xi măng Hải Hưng và Xi măng Phúc Sơn không triển khai Dự án, diện tích đất không bị thu hồi, không biết đơn vị này có đóng tiền thuê đất hay không? Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào của tỉnh Hải Dương đã nhiều năm qua, để diện tích đất “vàng” này không phát huy được hiệu quả, góp phần làm “nhem nhuốc” đô thị thành phố Hải Dương. Chính quyền tỉnh Hải Dương cần nhanh chóng vào cuộc, có giải pháp thu hồi diện tích đất trên, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị… để xảy ra tình trạng này.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.