Nắm bắt cơ hội lớn
Nhìn lại gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2020 và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP. Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, TP. Cần Thơ đã hoàn thành trước hạn chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, trở thành “thành phố bền vững về môi trường ASEAN” và được chọn là 1 trong 70 thành phố trên toàn cầu vào vòng chung kết Chương trình Thành phố xanh OPCC 2021 - 2022 do Tổ chức WWF khởi xướng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, du lịch,… của TP. Cần Thơ cũng tiếp tục có những bước tiến mới trong quá trình hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, để TP. Cần Thơ trở thành trung tâm động lực cũng như dẫn dắt sự phát triển của vùng ĐBSCL; Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết mới dành riêng cho TP. Cần Thơ, bao gồm: Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Nắm bắt cơ hội này, với khát vọng vươn lên tầm cao mới, trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung xây dựng thành phố hiện đại, văn minh và sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; trung tâm về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: TP. Cần Thơ đã và đang bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về việc thực hiện các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ, cũng như đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không hiện đại, đồng bộ nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa TP. Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL và TP.HCM.
Đặc biệt là tuyến cao tốc theo trục dọc Trung Lương - TP. Cần Thơ - Cà Mau; trục ngang Châu Đốc - TP. Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồng thời, TP. Cần Thơ còn tập trung xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cấp vùng tại Cần Thơ; phát triển Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Vườn ươm Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Chú trọng liên kết
Cũng theo ông Trần Việt Trường, thành phố sẽ tăng cường tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ cải cách hành chính, tăng sức cạnh tranh; đồng thời, triển khai quy hoạch TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị để Cần Thơ thật sự là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đồng thời, xây dựng khu công nghệ cao theo định hướng trở thành khu công nghệ cao quốc gia; phát triển nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng; ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
Đồng thời, chú trọng liên kết, phối hợp với các tỉnh vùng ĐBSCL, các tỉnh liên vùng, TP.HCM để khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối giữa Việt Nam với các nước Tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng tăng cường liên kết nhiều lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, y tế, giao thông vận tải, logistics, công nghiệp chế biến, du lịch;… đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố và vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Nhằm đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững, TP. Cần Thơ hiện đang tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó, sẽ tăng cường tích hợp, gắn kết chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định; khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái và cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại tiên tiến về xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Trước áp lực của đô thị hóa, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, thì công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố ngày càng nặng nề hơn. Song, với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành cùng người dân, chúng tôi tin tưởng rằng, công tác quản lý, bảo vệ môi trường sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp TP. Cần Thơ giữ vững danh hiệu thành phố bền vững về môi trường ASEAN”.