Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: Hiểu Mặt trời để ứng phó biến đổi khí hậu

12/03/2019 17:30

(TN&MT) - Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 (23/3/2019), ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới đã nhấn mạnh chủ đề năm nay: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết” và khẳng định, việc hiểu được cách thức Mặt trời ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu như thế nào sẽ giúp xây dựng các cộng đồng có sức chống chịu với khí hậu.

ông Talas
Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới

Thông điệp của ông Petteri Taalas nêu rõ, Mặt trời là nguồn cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất. Mặt trời điều khiển các chu trình thủy văn, các dòng hải lưu và thời tiết, đồng thời, giữ cho hành tinh luôn ấm áp để các sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ.

Các dữ liệu vệ tinh trong hơn 30 năm qua cho thấy năng lượng Mặt trời cung cấp cho Trái đất không hề gia tăng trong thời gian gần đây, và vì thế, hoạt động của Mặt trời không làm Trái đất nóng lên. "Thủ phạm" đích thực là khí nhà kính, được coi là nguyên nhân làm cho đại dương ấm lên và gây ra hiện tượng băng tan ở các cực. Từ năm 1990, các khí nhà kính đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ - nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn Trái đất. Trong đó, khí các-bon-nic chính là nguyên nhân của khoảng 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập kỷ vừa qua. Năm 2017, khí các-bon-nic đã đạt mức 405,5 phần triệu và đang tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Ngài Tổng Thư ký cảnh báo, nếu nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng với xu hướng hiện tại, nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 3°C đến 5°C vào cuối thế kỷ này. Điều này vượt xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2°C, hay hơn nữa, càng gần đến mức 1,5°C thì càng tốt.

Biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Các mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương; nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những nơi con người sinh sống; các hiện tượng cực đoan khác như mưa lớn và hạn hán xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở một số khu vực trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.

Bởi vậy, hiểu được cách thức Mặt trời ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu như thế nào là nhiệm vụ cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới trong sứ mệnh xây dựng các cộng đồng có sức chống chịu với khí hậu. Ông Taalas cho biết, ngay cả trong điều kiện thời tiết nhiều mây, Mặt trời cũng có thể cung cấp một nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng khác. Năng lượng Mặt trời đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới để sản xuất điện năng, sưởi ấm hoặc lọc nước biển thành nước ngọt...

Bằng cách tiếp cận tổng hợp toàn bộ hệ thống tự nhiên xung quanh Trái đất, cộng đồng Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ tạo ra các sản phẩm khoa học và dịch vụ tốt nhất có thể để hỗ trợ các quốc gia về thời tiết, khí hậu, thủy văn, đại dương và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: Hiểu Mặt trời để ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO