Tổng thư ký Quốc hội: Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai có độ chính xác cao

30/10/2018 10:23

(TN&MT) - Đánh giá thực hiện Nghị quyết chất vấn của Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại hội trường ngày 30/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn đã được Chính phủ quan tâm hoàn thiện. Độ chính xác, tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo sáng 30/10

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 3 chuyên đề và tổ chức hoạt động chất vấn tại 3 kỳ họp; ban hành 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.

Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Chính phủ đã ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; hoàn thành 17/23 nhiệm vụ theo Kế hoạch; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới; phê duyệt đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển theo chuỗi giá trị ở 3 cấp độ; số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra; chuỗi nông sản an toàn được hình thành trên diện rộng và tiếp tục được củng cố. Việc xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản đạt kết quả đáng khích lệ, có 44 tỉnh cơ bản xử lý dứt điểm nợ đọng.

Còn 3 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không hoàn thành đúng tiến độ theo Kế hoạch; 16 tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản, đặc biệt, có 3 tỉnh, thành phố có số nợ đọng cao trên 150 tỷ đồng. Chính phủ chưa báo cáo việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong quá trình thực hiện Chương trình. Sự phát triển hợp tác xã chưa tương xứng, đóng góp của hợp tác xã vào GDP còn rất khiêm tốn.

Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành tương đối đầy đủ, cơ bản bao quát đến các đối tượng, các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới và triển khai đồng bộ, quyết liệt. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn.Vấn đề về tồn dư hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới. Việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, theo quá trình sản xuất được đẩy mạnh. Thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện.

Việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Cụ thể, chương trình hành động về hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành. Việc ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Nghị định mới về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức đang được nghiên cứu xây dựng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường. 

Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn đối với lĩnh vực công thương; tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; nội vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thông tin và truyền thông; tư pháp, báo cáo đã chỉ rõ được những kết quả đã đạt được và những tồn tại hạn chế cần khắc phục.

Riêng đối với lĩnh vực môi trường, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn đã được Chính phủ quan tâm hoàn thiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục được rà soát, đánh giá. Nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường được tổ chức thực hiện. Công tác tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị về ô nhiễm môi trường được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được chú trọng. Nhiều vụ việc trọng điểm về ô nhiễm môi trường đã được xử lý. Hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các cụm, khu công nghiệp tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Công tác bồi thường, ổn định sản xuất và đời sống người dân trong vùng bị thiệt hại tại các tỉnh miền Trung được quan tâm. Cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước đã được xây dựng. Quy hoạch về khoáng sản đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Độ chính xác, tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao.

Tuy vậy, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường chưa được sửa đổi kịp thời. Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn ít. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm. Một số lĩnh vực chuyên sâu trong hệ thống về lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa có quy định điều chỉnh. Văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đồng bộ.

Phiên chất vấn đang diễn ra, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thư ký Quốc hội: Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai có độ chính xác cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO