Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,2%
Theo Tổng cục Thống kê, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng 01.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,1 tỷ USD, giảm 2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01 tăng 50,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 37,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 56,2%.
Trong tháng 01 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, tăng 50,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115,3%; hàng dệt may đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3%; giày dép đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 48,4%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%; cao su đạt 321 triệu USD, tăng 142,2% (lượng tăng 119,7%); hạt điều đạt 268 triệu USD, tăng 51,7% (lượng tăng 78,2%); hạt tiêu đạt 51 triệu USD, tăng 42,4% (lượng tăng 21,9%); chè đạt 16 triệu USD, tăng 31,2% (lượng tăng 25,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng mạnh 71,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 56,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 9,7 tỷ USD, tăng 32,3% và chiếm 35,2%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 21,4% và chiếm 6,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% và chiếm 2,2%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 26,4 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021 ước tính đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 5,8%. So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01 tăng 41%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 44,3%.
Trong tháng 01 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 20,8% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 46,3%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, tăng 128,3%; vải đạt 1,2 tỷ USD, tăng 32,9%.
Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa tháng 01, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 24,7 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 6,3%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2021, theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%; thị trường ASEAN đạt 3,4 tỷ USD, tăng 63,3%; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, tăng 52,9%; thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23,3%; Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD, tăng 4,2%.
Ước tính tháng 01/2021, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.