Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP.HCM; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; cùng đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài nước của TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Vấn đề liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Liên kết giúp cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có của toàn Vùng hiệu quả hơn; ngoài ra liên kết sẽ tạo ra quy mô kinh tế và năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương.
Với tinh thần đó, những năm qua, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển KT-XH, đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương; nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng…, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Trần Ngọc Tam, sự hợp tác toàn diện giữa TP.HCM và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào phát triển KT-XH tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH chung của cả nước.
Với tinh thần hợp tác tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau, TP.HCM và các địa phương đã triển khai xúc tiến các nội dung hợp tác cụ thể, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình hợp tác, từ đó đã tạo nên cơ hội mới, sức mạnh mới, nguồn lực mới, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
Song song đó, tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL luôn kỳ vọng Chương trình hợp tác phát triển KT-XH với TP.HCM giai đoạn đến năm 2025 tiếp tục phát huy hiệu quả; đây sẽ là điều kiện thuận lợi để vùng ĐBSCL triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng ĐBSCL, cùng với TP.HCM đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...
Được sự quan tâm chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, mục tiêu phát triển của các địa phương, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP.HCM đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH.
Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của các tỉnh trong Vùng. Các doanh nghiệp của TP.HCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp.
Đồng thời, thị trường tiêu thụ của TP.HCM có được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định. Bước đầu các Sở, ngành của các địa phương đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025, với 6 lĩnh vực trọng tâm như: Phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển du lịch; Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Trước đó, chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chương trình tổng kết hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng được tổ chức như: Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng ĐBSCL để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo” cho danh nghiệp các tỉnh, thành; và thực hiện các chương trình, hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh Bến Tre.
Đặc biệt là Hội nghị kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL. Tại hội nghị này, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cùng doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp các tỉnh, thành cùng trao đổi khả năng cung cầu, sự hỗ trợ, gắn kết của chính quyền, sự hỗ trợ qua lại giữa các địa phương từ đó nhanh chóng kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở chế biến, các công ty phân phối tại các tỉnh để hỗ trợ xúc tiến thương mại và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.