Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục đã đạt được trong năm 2021. Mặc dù, trải qua nhiều khó khăn nhưng Tổng cục đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó, phải kể đến việc thực hiện nhiệm vụ Tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản; lập báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng dự thảo trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW; Lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng chỉ đạo, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục sẽ triển khai sớm và quyết liệt việc xây dựng và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02/NQ-TW.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục phát huy mạnh mẽ vai trò và lợi thế để tăng cường sự phối hợp với các đơn vị trong Bộ về lĩnh vực biển và hải đảo, môi trường, tài nguyên nước, công nghệ thông tin… để có thể thực hiện tốt tất cả các chương trình hành động đề ra trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Về các nhiệm vụ được giao từ năm 2020 chuyển sang, Tổng cục đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và Thông tư số 12/2021/TT-BTNMT ngày 17/8/2021 của Bộ TN&MT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật công tác đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn phần đất liền trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; công tác bay đo từ và trọng lực; công tác xác định hàm lượng một số nguyên tố hóa học bằng phương pháp ICP-MS.
Đến nay, Tổng cục đã hoàn thành lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền diện tích 242.445 km2 (đạt hơn 73% diện tích đất liền) và tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m. Kết quả đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên. Bước đầu, đã phát hiện các cấu trúc thuận lợi, những tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản như quặng đất hiếm trong vỏ phong hóa ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ; khoáng sản kim loại ẩn sâu vùng Tây Bắc; xác định các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo, đứt gãy, trượt lở nhằm cảnh báo thiên tai.
Trong năm 2021, Tổng cục tiếp tục triển khai 4 đề án Chính phủ gồm: Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội”; Đề án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam”; Đề án Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục đang triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ được giao.
Tính đến ngày 31/12/2021, Tổng cục đã hoàn thành thẩm định hồ sơ, trình Bộ ký ban hành 60 Quyết định về cấp phép hoạt động khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản, cụ thể: 7 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 20 Giấy phép khai thác khoáng sản; 11 Quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; 22 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
Quang cảnh Hội nghị |
Đối với công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Trung ương, năm 2021, Tổng cục đã tham mưu, trình Bộ TN&MT ban hành 51 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền trên 1.609 tỷ đồng, trong đó số tiền cấp quyền từ thu hồi khoáng sản đi kèm và các Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản là trên 207 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh, công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần đưa quy định mới của Luật Khoáng sản vào cuộc sống, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý; khuyến khích sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng tài sản của Nhà nước; góp phần tăng thu ngân sách (hàng năm thu ngân sách nhà nước từ 4.000 đến 4.500 tỷ đồng).
Về kế hoạch năm 2022, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên cho biết, Tổng cục sẽ lập hồ sơ đề nghị dự án xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) để Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt; hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành công tác khoanh định và trình Thủ tướng phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản…
Tại Hội nghị, các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của đơn vị trong năm qua, từ đó đề xuất ý kiến để Tổng cục nói chung và các đơn vị nói riêng hoạt động hiệu quả hơn trong năm 2022. Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cũng kiến nghị để tăng cường sự phối hợp trong tất cả các hoạt động giữa Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với các đơn vị thuộc Bộ trong thời gian tới.
Trong năm 2021, Tổng cục đã Thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong hoạt động khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh với tổng số 17 tổ chức/30 Giấy phép khai thác khoáng sản; thực hiện xong 8 cuộc kiểm tra tại 7 tỉnh, kiểm tra đột xuất 35 cuộc trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 38 tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động khoáng sản; ban hành 25 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 2,938 tỷ đồng, tổng số tiền phạt đã thu được là 2,243 tỷ đồng/17 quyết định xử phạt; lập 13 biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đề nghị các địa phương xử phạt đối với các giấy phép do địa phương cấp.