(TN&MT) - Đoàn công tác do ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) làm Trưởng đoàn vừa phối hợp với UBND tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa và làm việc với tỉnh liên quan đến quản lý nhà nước tại mỏ than Suối Bàng, huyện Vân Hồ. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương).
Về phía tỉnh Sơn La, do ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Báo cáo nhanh công tác quản lý nhà nước tại khu vực mỏ than Suối Bàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu cho biết: Mỏ than suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ là mỏ than mỡ đã được Đoàn thăm dò VI thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiến hành thăm dò sơ bộ từ năm 1962 đến năm 1966.
Năm 1991, Xí nghiệp địa chất khai thác khoáng sản 307 - Tổng Công ty phát triển khoáng sản thuộc Bộ Công nghiệp nặng tiếp tục thăm dò chi tiết mỏ than. Mỏ than này trước đây được Bộ Công nghiệp nặng cấp phép cho Công ty than nội địa khai thác (giai đoạn 1993-1996). Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 24/7/2001 giao mỏ than Suối Bàng thuộc Công ty Than nội địa (Tổng công ty Than Việt Nam) về UBND tỉnh Sơn La quản lý và khai thác.
Thực hiện quy định của Luật khoáng sản, UBND tỉnh Sơn La đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3099/QĐ-UBND ngày 8/12/2010 cho Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản KTB (thời hạn đến hết năm 2029, Công ty tiếp tục khai thác theo quy định tại Điều 84 Luật Khoáng sản) và Giấy phép khai thác khoáng sản số 1975/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 cho Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La (thời hạn đến ngày 31/7/2021).
Với Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La, trong quá trình khai thác hầm lò theo thiết kế mỏ thì vị trí các đường lò không gặp được các vỉa than theo kết quả thăm dò của nhà nước đã đầu tư (năm 1991). Công ty đã tự chuyển đổi phương pháp khai thác từ hầm lò sang lộ thiên, Công ty đã bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 400 triệu đồng.
Đơn vị cũng đã dừng hoạt động từ năm 2020 để khắc phục các tồn tại, vi phạm. Đồng thời, Công ty đã xin phép được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản tại khu vực được cấp phép để làm cơ sở lập lại thiết kế mỏ khai thác cho hiệu quả và điều chỉnh phương pháp khai thác trong Giấy phép cho phù hợp với thực tế.
UBND tỉnh Sơn La đã cho phép Công ty thăm dò nâng cấp trữ lượng và đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong “Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ” tại Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 là hơn 380.000 tấn (trữ lượng tính đến ngày 23/12/2019). Theo quy định tại Điều 21 và phụ lục kèm theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP thì mỏ than Suối Bàng (khu vực đã cấp phép cho Công ty khoáng sản Sơn La) có trữ lượng đảm bảo tiêu chí thuộc khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.
Năm 2021, tỉnh Sơn La đã thành lập tổ công tác liên ngành do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để rà soát các tồn tại, vi phạm của đơn vị; yêu cầu Công ty ký cam kết khắc phục các tồn tại vi phạm và xây dựng Kế hoạch giám sát việc khắc phục.
Đến ngày 31/7/2021, Giấy phép số 1975/QĐ-UBND hết hạn, để tiếp tục cấp phép khai thác phần diện tích 44,6 ha của mỏ than Suối Bàng, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Bộ TN&MT xem xét, đánh giá để khoanh định và công bố điểm mỏ than Suối Bàng là điểm có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.
Ngày 6/1/2022, Bộ TN&MT đã có Công văn số 78/BTNMT-ĐCKS về thực hiện quản lý khu vực mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ. Theo đó, Bộ đã có ý kiến: Khu vực cấp Giấy phép khai thác số 1975/QĐ-UBND nêu trên là một phần khu mỏ than Suối Bàng, do đó, không đảm bảo tiêu chí “Khoáng sản phát hiện phân bố độc lập” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, nên không có cơ sở để khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.... Để định hướng tiếp tục thăm dò, khai thác mỏ than Suối Bàng theo quy định, đề nghị UBND tỉnh Sơn La báo cáo Bộ Công thương về công tác quản lý, thăm dò, khai thác tổng thể mỏ than Suối Bàng giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, mỏ than Suối Bàng đã được Thủ tướng Chính phủ giao về UBND tỉnh Sơn La quản lý và khai thác. Do vậy, tỉnh Sơn La có vướng mắc trong việc quản lý, cấp phép đối với khu vực 44,6 ha mỏ than Suối Bàng (khu vực đã cấp phép cho Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La nay đã hết hạn).
Cộng thêm, mỏ than Suối Bàng có đặc thù nằm tại vị trí xa xôi hẻo lánh, xa dân cư, giao thông đi lại khó khăn, nếu không được cấp phép khai thác hoặc có giải pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản phù hợp, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép có thể diễn ra.
Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và thống nhất các nội dung liên quan đến quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ làm cơ sở cấp phép khai thác theo quy định. UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Công thương khảo sát thực địa; cho ý kiến về việc định hướng tiếp tục thăm dò, khai thác mỏ than Suối Bàng và các thủ tục pháp lý để tiếp tục cấp phép khai thác.
Tại buổi làm việc, Đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) đã thông tin các quy định về định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác phát triển ngành than Việt Nam; đại diện Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông tin về việc thẩm định, phê duyệt trữ lượng than tại khu vực này.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các ngành, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết: Qua đi khảo sát, kiểm tra thực địa, chúng tôi ghi nhận, trong quá trình khai thác, công ty đã có sai phạm do thay đổi phương pháp khai thác, song, tỉnh Sơn La đã kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định và đơn vị đã chấp hành. Hiện nay, Giấy phép khai thác đã hết hiệu lực, đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm Đề án đóng cửa mỏ để bảo vệ khu vực khoáng sản, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.
“Cùng với đó, đề nghị Bộ Công thương có văn bản chính thức gửi sang Bộ TN&MT về định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác tại mỏ Suối Bàng. Với trách nhiệm của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, chúng tôi sẽ tổng hợp lại các số liệu, rà soát lại quá trình quản lý mỏ, kết quả kiểm tra thực địa, ý kiến của Bộ Công thương, các đơn vị trực thuộc Bộ, UBND tỉnh Sơn La để đề xuất phương án quản lý phù hợp thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của địa phương, người dân và doanh nghiệp, cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn” – ông Lại Hồng Thanh nhấn mạnh.