Trong niềm vui về thành công của Hội nghị Trung ương 11 (Khóa XII) vừa qua, hướng về kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, cử tri bày tỏ đồng tình ủng hộ và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ liêm chính, hành động; kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao, ngăn chặn tình trạng đội giá các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Cử tri cho rằng việc giảm biên chế là cần thiết, nhưng phải bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhất là trong lĩnh vực giáo dục; đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật, tuyên truyền giáo dục, giám sát bảo đảm thực thi pháp luật, để các đạo luật sau khi ban hành đi vào thực tế cuộc sống…
Cử tri cho rằng, cần có giải pháp mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có; bộ máy chống tham nhũng phải thật sự trong sạch...
Thay mặt các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn cử tri đến dự hội nghị và dành cho cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước những tình cảm chân thành, hết sức cảm động. Các ý kiến phát biểu của cử tri ngắn gọn, xác đáng, tập trung vào những vấn đề lớn của cả nước, những vấn đề đang đặt ra của Thủ đô.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri để tổng hợp, phản ánh với Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã trao đổi về các vấn đề cử tri quan tâm.
Về Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: Hội nghị dự kiến họp 7 ngày bàn những vấn đề đại sự, nhưng họp 6 ngày và thành công, thống nhất cao, ra Nghị quyết, được cử tri rất quan tâm, tán thành, hoan nghênh.
Hội nghị nhìn lại 35 năm Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tầm nhìn 2030 (100 năm thành lập Đảng) và 2045 (100 năm thành lập nước). Trong đó, Trung ương tập trung kiểm điểm nhiệm kỳ vừa qua và chuẩn bị nhiệm kỳ khóa XIII. Tất cả các vấn đề đưa ra được Trung ương bàn luận rất sôi nổi và thống nhất cao, đóng góp nhiều ý kiến tốt, thể hiện sự đoàn kết thống nhất cao.
Đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong xã hội, đặc biệt Đại hội XIII của Đảng đến nơi rồi. Trong đó, không chỉ chú ý vấn đề văn kiện. Văn kiện là đường hướng cơ bản, Cương lĩnh có rồi, Chiến lược có rồi, tiếp tục cụ thể hóa để thực hiện. Vấn đề bây giờ Đảng và nhân dân đang quan tâm đúng là vấn đề nhân sự. Vừa rồi bà con theo dõi, Bộ Chính trị đã có một số quy định chính là chuẩn bị cái đó, nhằm hạn chế tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất, cố gắng chọn người thật xứng đáng. Và qua đây cũng chính là để giáo dục, chuẩn bị nhân sự không chỉ cho Trung ương, mà còn ở tất cả các ngành, các cấp”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua có nhiều cố gắng, kết quả tốt, không chỉ trong nước mà dư luận quốc tế hoan nghênh, nhưng còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, vì không phải đấu tranh với bên ngoài, với người khác, mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người chúng ta. Như các bác đã nói một số ý rất hay, không chỉ Đảng làm, nên luật pháp hóa, cả hệ thống chính trị, toàn dân làm mới thành công và cái này còn lâu dài".
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 14 vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 vị nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, kể cả nguyên Bí thư Tỉnh ủy...
Tại Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 nguyên Ủy viên Trương ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Đây không chỉ là căn bệnh của riêng ta mà còn của nhiều nước trên thế giới. Tuyệt đối không được chủ quan!”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đề cập đến quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xử lý mối quan hệ này không đơn giản chút nào. Tính toán lợi ích quốc gia dân tộc, không nhân nhượng bất cứ điều gì vô nguyên tắc, phải giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải giữ ổn định để phát triển. Đất nước ta có được không khí ổn định, tốt như thế này, phải giữ lấy nó. Phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát. Ta rất kiên quyết nhưng cần phải khôn khéo, mềm dẻo, phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện, với con mắt chiến lược… Giữ đất nước yên bình để tiến lên, nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo TP. Hà Nội cần hết sức quan tâm giải quyết các vấn đề cử tri nêu, chú ý phát triển toàn diện, kinh tế là trung tâm nhưng phải chú ý vấn đề văn hóa, đạo đức, tiêu biểu cho người Thủ đô, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định, phát triển, thanh lịch và văn minh.