Tôn trọng thiên nhiên từ việc học chung sống đúng cách

Thanh Thư (thực hiện)| 02/02/2023 09:55

(TN&MT) - Tại Hội nghị lần thứ 15 về Công ước Đa dạng sinh học diễn ra tại Montreal, Canada vừa qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã có những khẳng định mạnh mẽ về sự ủng hộ và vai trò quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trước hơn 20.000 đại biểu đến từ khắp thế giới.

Một trong những điều khiến Hội nghị thu hút đông đảo quốc gia trên toàn cầu là đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ngày càng nhiều loài hoang dã bị đe dọa. Báo TN&MT đã có cuộc chuyện trò với bà Nguyễn Thủy - Phụ trách Trung tâm Bảo tồn Rùa châu Á xoay quanh câu chuyện bảo tồn đầy thách thức này.

PV: Động lực nào thôi thúc một phụ nữ gốc Hà Nội như bà lựa chọn rời Thủ đô bao người mơ ước để về làm việc tại Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương?

Bà Nguyễn Thủy: Mình đã gắn bó với công tác bảo tồn động vật hoang dã được 15 năm. Trước đây, Văn phòng của Trung tâm đặt ngay tại Hà Nội. Nhưng tháng 9/2015, chứng kiến 200 cá thể rùa hộp bị tịch thu từ đối tượng mua bán trái phép được đưa về Trung tâm đều nhạy cảm, khó sinh tồn trong môi trường nuôi nhốt nên phục hồi là thử thách rất lớn. Từ sự kiện đó, mình quyết định rời hẳn xuống Cúc Phương.

thumbnail_chi-thuy-nguyen.jpg
bà Nguyễn Thủy - Phụ trách Trung tâm Bảo tồn Rùa châu Á

PV: Bảo tồn đa dạng sinh học dưới góc nhìn của cá nhân có gì khác, thưa bà?

Bà Nguyễn Thủy: Mình rất yêu và đặc biệt quan tâm đến phúc lợi của các loài vật. Bất kể loài nào bị đối xử tệ bạc thì đều đáng thương và đều cần được bảo vệ. Rùa là loài động vật hoang dã luôn bị săn lùng ráo riết. Hằng năm, Trung tâm giải cứu trung bình 400 cá thể rùa.

Có người nói rằng, bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ của những người làm nghề bảo tồn, hay: Trung tâm/dự án bảo tồn đã thành lập lâu năm rồi thì công tác bảo tồn phải thành công rồi… Nhưng tất cả những gì liên quan đến thiên nhiên, tính ổn định của một hệ sinh thái thì cần rất nhiều thời gian.

Ở Úc có loài Rùa Đầm được tìm thấy vào những năm 1960. Trước khi tìm thấy, mọi người nghĩ chúng đã tuyệt chủng. 50 năm sau, vào lễ kỷ niệm 50 năm ngày gắn chip lên cá thể Rùa Đầm này, thì bạn ấy vẫn còn có khả năng sinh sản.

Kể ra để thấy rằng công việc bảo tồn chiếm rất nhiều thời gian, tâm sức và phải hết sức kiên trì. Mình vào Trung tâm gần 15 năm, chúng ta nghĩ vậy đã là dài rồi nhưng với hành trình bảo tồn thì chưa là gì cả.

PV: Các nhân viên ở đây có cách xưng hô rất dễ thương là “các bạn rùa”. Điều gì tạo nên tình yêu lớn của mọi người với bảo tồn như vậy?

Bà Nguyễn Thủy: Chúng mình hay gọi như thế để thể hiện sự tôn trọng với các loài. Nhiều người phải khó khăn, hiếm hoi lắm mới có dịp ngắm nhìn cách các loài sinh sống, mình thì được ngắm hằng ngày. Đó là một ưu đãi lớn. Mình có cơ hội để hiểu và có cách ứng xử đúng nhất với các loài mà không làm tổn thương lẫn nhau.

Có những loài cá tính rất mạnh. Ví dụ với rùa, không phải lúc nào cũng nhút nhát như mọi người thường thấy. Để tẩu thoát khỏi bàn tay con người, khi có cơ hội là các bạn ấy sẽ thò đầu ra cắn.

PV: Quả là thú vị! Gắn bó với thiên nhiên lâu đến vậy, bà thấy mình đã thay đổi ra sao?

Bà Nguyễn Thủy: Mình tôn trọng thiên nhiên hơn. Mình nhận ra rằng, nếu không hiểu biết thì không thể hành động đúng. Hành vi dù nhỏ nhất cũng tác động rất lớn đến loài xung quanh.

Hồi còn nhỏ, vì thích loài vật nên mình hay bắt chúng về chơi. Đó là cách mà đa số chúng ta khám phá thiên nhiên và cũng không ai dạy ta phải làm như thế nào. Sau này hiểu rồi, mình biết cách để không làm tổn thương các loài mà mình vẫn có thể khám phá được.

anh-1.jpg
Bà Nguyễn Thủy (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp.

Ví dụ, Cúc Phương vào dịp tháng 4 có rất nhiều bướm, thu hút rất nhiều khách tham quan. Có hơn 300 loài bướm khác nhau, hay tập trung đậu quanh vũng nước. Mọi người rất thích và thường chạy ra khua tay để bướm bay lên rồi chụp ảnh.

Nhưng việc làm đó khiến bướm hoảng loạn và tác động đến hành vi của chúng. Chiêm ngưỡng đúng cách là phải quan sát lặng lẽ nhất. Có khi phải nằm rạp xuống đường, vừa quay, vừa chụp, hành động này vẫn có thể làm một vài cá thể bay lên nhưng không xáo trộn cả đàn. Thay vì chỉ biết khen đẹp, rồi khua tay cho chúng bay lên, phải học cách hiểu và yêu chúng đúng cách.

PV: Dường như nếu không phải thứ liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày như đồ ăn thức uống thì cơ hồ ta sẽ ít quan tâm và khó có sự thay đổi nhận thức nhanh, bà nghĩ gì về điều này?

Bà Nguyễn Thủy: Cuộc sống hiện đại có thể giúp con người không cần phải kết nối với thiên nhiên chặt chẽ như ngày xưa. Chúng ta ở trong căn nhà với đầy đủ tiện nghi, vài tháng có khi không bước chân ra đường. Nhưng đó là trước mắt. Vì con người vốn cũng là một loài sinh vật như bao loài khác nên chúng ta phải học cách chung sống với 8 triệu loài có mặt trên Trái đất này.

Sự ít kết nối với thiên nhiên khiến mọi người cảm thấy mơ hồ với khái niệm bảo tồn đa dạng sinh học. Ý nghĩa của đa dạng sinh học là sự phong phú của các loài tạo ra một hệ thống liên hệ bền vững. Mỗi một loài sinh vật trong hệ sinh thái là một mắt lưới kết nối với nhau. Nếu bị thủng một vài chỗ, cái lưới đó sẽ càng ngày càng toác ra, trở nên lỏng lẻo. Khi các mắt nối liên kết chặt chẽ, sự ổn định của hệ sinh thái giúp cho đời sống chúng ta được an toàn, tránh được các thảm họa thiên nhiên. So sánh này chỉ mang tính minh họa vì các mối liên kết trong tự nhiên phức tạp hơn rất nhiều. Song để thấy rằng, một khi phá hủy hệ sinh thái thì sẽ con người sẽ phải trả giá lớn.

PV: Khi quan sát, tiếp cận các loài trong tự nhiên với một tâm thế như những người bạn, người thân, cảm xúc và hành động của chúng ta hẳn sẽ khác?
Bà Nguyễn Thủy:
Đúng như vậy. Có nhiều bạn rùa khi được cứu hộ mang đến Trung tâm thân thể dập nát, giảm khả năng sinh tồn và mãi mãi không bao giờ được trở về với mái nhà tự nhiên, cảm xúc của mình lúc đó thật xót xa khó tả.

Chúng mình vừa có một chuyến đưa 101 bạn rùa về với tự nhiên ở phía Nam. Trên đường đi, cả đoàn gặp bão lớn đổ bộ vào miền Trung. Chuyến đi dự kiến hơn 30 tiếng thì kéo dài thành 40 tiếng. Chúng mình đã rất lo lắng vì không biết sức khỏe của các bạn rùa ra sao.

Hôm đó đến nơi thả, không bố trí được thuyền đưa ra khu vực nước sâu nên chúng mình phải lội nước ngập đến gần cổ, tìm chỗ tốt nhất để thả các bạn rùa.

Trên chuyến đi đó, có những bạn rùa mà mình đã ấp nở sinh sản thành công tại Trung tâm từ năm 2017 - 2018, mình chăm từ khi sinh ra nên rất thương. Hy vọng các bạn ấy vẫn đang an toàn.

PV: Bà có thông điệp gì dành cho những người trẻ?

Bà Nguyễn Thủy: Tuổi thơ của mình có ít cơ hội tiếp cận thông tin nên đến tận Đại học mới biết đến khái niệm bảo tồn đa dạng sinh học. Ngày nay, các bạn có smart phone, internet khắp nơi, nếu thực sự yêu thích và quan tâm, đừng ngần ngại tra cứu, tham gia vào hoạt động bảo tồn.

Con đường trở thành nhà bảo tồn sinh vật không phải là cách duy nhất. Đơn giản nhất là thực hành lối sống bảo vệ môi trường, tìm cách đền gần hơn với thiên nhiên.

Sự phát triển cao về trí tuệ, giao tiếp xã hội khiến cho con người trở thành loài mang tính thống trị. Chính quan niệm đó mà chúng ta đặt mình lên trên hết các loài: Không cần cái cây ngoài tự nhiên kia ta cũng sống được vì ta có thể trồng cây, nuôi con vật. Ta tạo ra máy lọc không khí nên không cần không khí sạch ở bên ngoài…

Nhưng tốc độ gia tăng dân số cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên đang vượt mức kiểm soát. Ai cũng có rất nhiều nhu cầu để lạm dụng thiên nhiên. Một người thì không sao nhưng 8 tỷ người sẽ tác động rất lớn.

Nhưng mình cứ thay đổi trước rồi sẽ lan tỏa đến những người xung quanh, tác động đến dân trí chung để mọi người cùng sống ý thức hơn. Bản thân mình cũng phải thực hành thói quen đó chứ không chỉ nói.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn trọng thiên nhiên từ việc học chung sống đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO