Củng cố khung chính sách
Đa dạng sinh học (ĐDSH) là nền tảng cho sự sống và phát triển của con người. ĐDSH được xem là “vốn tự nhiên” cho giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), mất an ninh lương thực, khủng hoảng kinh tế mà nhiều khu vực, quốc gia đang phải đối mặt.
Trên cơ sở đó, năm 1995, Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động ĐDSH đã xác lập các dự án hành động cần đầu tư thực hiện trong giai đoạn 1996 - 2000. Đến năm 2007, để phù hợp với mục tiêu và bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã phê duyệt KHHĐ quốc gia ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm thực hiện Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học. Tiếp đó, với tầm nhìn mới về ĐDSH là nền tảng của nền kinh tế xanh, bảo tồn ĐDSH là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành vào năm 2013.
Từ đó cho thấy, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH như: Hệ thống khung pháp luật và chính sách quốc gia về bảo tồn ĐDSH ngày càng được củng cố, hoàn thiện; nhận thức xã hội và sự tham gia của các bên liên quan vào công tác bảo tồn ĐDSH có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là các dịch vụ hệ sinh thái trọng yếu tiếp tục được duy trì và cung cấp các dịch vụ quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sự hình thành các tổ chức xã hội đã góp phần gia tăng nỗ lực bảo tồn ĐDSH |
Nhựa sống hoạt động bảo tồn
Luật ĐDSH 2008 được ban hành đã thể hiện sự nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc điều chỉnh thực trạng bảo tồn ĐDSH hiện nay của Việt Nam. Một hành lang pháp lý được xây dựng góp phần hệ thống hoá các quy định rải rác trước đó cũng như bổ sung thêm những nội dung mới nhằm điều chỉnh đầy đủ và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo tồn ĐDSH - một trong những phương thức bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên.
Qua gần 10 năm kể từ khi có hiệu lực, Luật ĐDSH đã tiếp thêm nhựa sống cho công tác quản lý bảo tồn ĐDSH trong các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, vùng biển của Việt Nam với một số thành tích đáng khích lệ, chẳng hạn đã thu thập nhiều tư liệu bổ sung, đánh giá hiện trạng ĐDSH ở các khu rừng đặc dụng làm cơ sở cho việc đề xuất trong chiến lược rà soát, quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, tổ chức bảo tồn các vườn quốc gia (VQG), các khu bảo tồn thiên nhiên. Tại một số địa phương đã xây dựng các tiêu chí cụ thể xác định loài và chế độ quản lý bảo vệ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 37 của Luật).
Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết các Điều ước quốc tế liên quan đến ĐDSH như: Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (UNCBD), Công ước về Các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng (CITES), Nghị định thư về An toàn sinh học (CARTAGENA)… Nhiều cam kết quốc tế đã được luật hóa trong Luật ĐDSH năm 2008.
Có thể thấy rằng, những nội dung nội luật hóa quan trọng nhất là các nội dung trong Công ước của Liên Hợp Quốc về ĐDSH như: Quy định rõ và đầy đủ về nội dung và trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp cả nước và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định rõ và đầy đủ về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bao gồm bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững các loài sinh vật; quy định về trách nhiệm quản lý nguồn gen và quản lý các hoạt động liên quan đến nguồn gen…
Nhiều loài nguy cấp được bảo vệ kịp thời |
Nhiều địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc… đã tiến hành khảo sát điều tra các loài sinh vật ngoại lai xâm hại để có biện pháp kiểm soát ngăn ngừa tại Điều 50 của Luật ĐDSH. Cùng với đó, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 22 ngày 1/7/2011 hướng dẫn đưa ra danh mục các loài ngoại lai xâm hại cần quan tâm phát hiện ở các địa phương ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đến các hệ sinh thái và ĐDSH.
Nghiêm túc thực hiện Công ước quốc tế
Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen là một nội dung hoàn toàn mới đối với hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước đến nay. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Luật ĐDSH đã đề xuất cơ chế quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ nguồn gen ở Việt Nam. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thứ ba của Công ước ĐDSH, đó là chia sẻ một cách công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong Luật ĐDSH 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH đã thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đây là một nỗ lực lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh các bên vẫn đang trong quá trình thương lượng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh.
Mặc dù, đây là nội dung mới và khó nhưng trong thời gian qua, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) đã vận dụng các điều khoản trong Luật ĐDSH để tiến hành thử nghiệm ở một số VQG, khu bảo tồn như: Bạch Mã, Ba Vì, Cát Bà, Côn Đảo, Bidoup Núi Bà, Vân Long... Qua đó, cộng đồng sống xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên được cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các sinh kế, tăng việc làm thông qua hoạt động bảo tồn ĐDSH. Đây là giải pháp tạo sự đồng thuận, nhất trí tham gia của cộng đồng trong chiến lược bảo tồn ĐDSH.
Quản lý có chiều sâu
Việc thành lập hệ thống các khu bảo tồn là bước đi rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài, quần xã sinh vật và hệ sinh thái. Hiện nay, Việt Nam đã quy hoạch và thành lập được 164 Khu bảo tồn (KBT) rừng đặc dụng, trong đó, có 30 VQG, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 KBT loài và sinh cảnh, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống này sẽ mở rộng đến 2,4 triệu ha với 176 khu (34 VQG, 58 KBT thiên nhiên, 14 KBT loài và sinh cảnh, 61 khu bảo vệ cảnh quan và 09 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã quy hoạch 16 KBT biển và 45 KBT vùng nước nội địa. Ngoài ra, trong hệ thống cũng đã có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên, 5 khu di sản ASEAN và 8 khu đất ngập nước Ramsar được quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, các hình thức bảo tồn chuyển chỗ về ĐDSH cũng được phát triển trong cả nước mang lại hiệu quả cao về bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật quý, hiếm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương. Những con số trên cho thấy, sự thay đổi nhận thức về cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế, mà quan trọng hơn đó chính là sự nỗ lực, quan tâm, cam kết và hành động của nhà nước vì các lợi ích chung của xã hội, trước mắt và lâu dài.
Một thành tựu quan trọng khác của công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua chính là huy động được nguồn lực tài chính, kỹ thuật và sự tham gia tích cực của các tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước. UNDP, WB, JICA, UNEP, GIZ, IUCN, WWF, FFI, WCS, Birdlife International, TRAFFIC là những tổ chức đã có những đóng góp đáng kể cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về bảo tồn ĐDSH, cũng như hỗ trợ thiết lập và quản lý nhiều VQG/KBT có giá trị ĐDSH toàn cầu.
Thông qua các dự án hỗ trợ, nhiều loài động, thực vật mới có giá trị cho khoa học đã được phát hiện, phát hiện lại và được đầu tư bảo tồn như: Sao la, Mang lớn, một số loài linh trưởng, Chim trĩ… Bên cạnh đó, sự hình thành các tổ chức xã hội trong nước như: VACNE, ENV, PanNature, MCD, GreenVIET, Wildlife At Risk… đã gia tăng nỗ lực đóng góp cho bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam từ cả hiện trường đến diễn đàn chính sách của quốc gia, quốc tế. Xu hướng các doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng tham gia bảo tồn thiên nhiên đang được hình thành, hứa hẹn tạo nhiều nguồn lực cho bảo vệ các giá trị và di sản ĐDSH của Việt Nam.
Phương Anh