Tổ Covid cộng đồng – phát huy sức dân trong phòng chống dịch Covid-19

Việt Hùng - Lan Anh| 14/09/2021 16:55

(TN&MT) - Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 mà “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” thì các tổ Covid-19 cộng đồng được đánh giá là “vũ khí” chiến lược góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch tại nhiều địa phương.

Điểm sáng Bắc Giang

Từng là tâm dịch lớn nhất cả nước (thời điểm từ tháng 5 - đầu tháng 7/2021), mới đây, tỉnh Bắc Giang đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen về công tác phòng, chống dịch. Đóng góp không nhỏ vào thành quả chống dịch này là sự góp sức của hơn 10 nghìn tổ COVID cộng đồng tại địa phương.

Theo đó, đợt dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Giang lần thứ 4 là đợt dịch với số người mắc lớn nhất, chưa từng có trước đây. Tính từ ngày 7/5 đến ngày 11/7/2021, tổng số ca F0 trên toàn tỉnh là 5.766 trường hợp.

Nhờ sự tham mưu của TW và địa phương, UBND các huyện, thành phố trực thuộc đã thành lập mạng lưới Tổ Covid cộng đồng nhằm triển khai nhanh chóng, đồng bộ công tác điều tra, giám sát dịch tễ.

Các thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng tham gia trực chốt

Theo đó, Tổ Covid cộng đồng với số lượng từ 3-5 người, thành phần là cán bộ, thôn, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, đặc biết là có sự tham gia của một số người dân có sức khỏe, nhiệt tình, tâm huyết tại khu dân cư. Điều hành Tổ là 1 đồng chí Tổ trưởng. Mỗi Tổ phụ trách từ 30-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể.

Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.643 Tổ Covid cộng đồng với tổng số người tham gia là 37.420. 

Hằng ngày các thành viên trong Tổ sẽ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K; Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hằng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình; Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19.

Tổ Covid -19 cộng đồng sẽ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K

Bên cạnh đó, Tổ Covid cộng đồng còn giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại, Zalo cho chính quyền địa phương và y tế xã những trường hợp nghi mắc COVID -19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp,… để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

Đồng thời, phối hợp, phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đi từ vùng dịch về, nhập cảnh trái phép.

Các Tổ Covid cộng đồng qua đó trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vế các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn phụ trách; phối hợp và hỗ trợ công tác xét nghiệm đảm bảo phòng dịch và chính xác các đối tượng phải lấy mẫu.

Nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của người dân địa phương; vận động, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp; hướng dẫn các hộ gia đình và giám sát việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch. Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do ban chỉ đạo cấp xã phân công.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên, hằng ngày được tổ ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký (sổ được phát theo mẫu thống nhất trong toàn tỉnh) và gửi báo cáo qua Zalo cho xã, xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh.

Nhân rộng tại nhiều địa phương

Thực tiễn tại Bắc Giang cho thấy tổ Covid-19 cộng đồng là một mô hình phát huy sức mạnh toàn dân phòng chống dịch bệnh, góp phần tạo thành thế trận lòng dân hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19 và đang được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương khác trong cả nước.

Các tổ đã giúp nắm bắt, giám sát người đến/về từ vùng dịch để kịp thời khai báo, cách ly y tế

Tại TP. Đà Nẵng, đến nay hầu hết các tổ dân phố, thôn xóm đều thành lập Tổ Covid cộng đồng với hơn 2.200 tổ và khoảng 10 ngàn thành viên tham gia. Thành phần Tổ Covid cộng đồng là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Tổ phó các khu dân cư, tổ dân phố, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở khu dân cư và sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của các công dân...

Đợt dịch thứ tư bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 đến nay với nguy cơ lớn hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn chủng virus trước đây, tuy nhiên với kinh nghiệm đúc rút được từ đợt dịch năm 2020, đặc biệt là kinh nghiệm về phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, góp phần giúp ngành y tế Đà Nẵng kịp thời khoanh vùng, cách ly những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, giám sát chặt chẽ cả bên trong lẫn bên ngoài, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh ra diện rộng.

Tham gia tuyên truyền các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương

Ông Mai Niên, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, Tổ Covid cộng đồng hoạt động tích cực hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh ở cơ sở. Đặc biệt, giúp được hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. Các thành viên trong tổ Covid cộng đồng tích cực tuyên truyền đến mọi người dân trong khu dân cư hiểu rõ hơn về chủ trương mới và những biện pháp mạnh hơn, cao hơn của thành phố để thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhắc nhở người dân khu dân cư thực hiện nghiêm phòng chống dịch bệnh.”

Có thể khẳng định, Tổ Covid cộng đồng là mô hình hoạt động trực tiếp gần dân, sát dân; là “cầu nối”  giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy, chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ Covid cộng đồng – phát huy sức dân trong phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO