Tổ công tác của Thủ tướng 'truy' Hà Nội nhiều vấn đề nóng

26/09/2016 00:00

Được Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, UBND thành phố Hà Nội phải giải trình cụ thể nhiều vấn đề nóng như xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, những vụ chết...

 

Được Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, UBND thành phố Hà Nội phải giải trình cụ thể nhiều vấn đề nóng như xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, những vụ chết người do xe chở tôn, dự kiến chi 886 tỷ đồng cắt tỉa cây xanh…

Như tin đã đưa, sáng 26/9, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra UBND Thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND Thành phố Hà Nội.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND Thành phố Hà Nội.

Báo cáo với Tổ công tác, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết từ đầu năm tới ngày 15/9, Chính phủ, Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội thực hiện 95 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, còn 48 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện, không có nhiệm vụ nào quá hạn.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng qua theo dõi, Hà Nội hiện có tới 9 nhiệm vụ quá hạn, trong đó nổi bật là vụ xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, đã quá hạn tới 76 ngày.

Đồng thời, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội phải làm rõ, giải trình với Tổ công tác về một số vấn đề như việc 2 người thiệt mạng vì xe chở tôn khiến người dân Thủ đô và cả nước rất đau lòng, lo lắng; tình trạng xe dù bến cóc; việc duy tu, cắt tỉa cây xanh, thảm cỏ…

“Truy” tiến độ vụ nhà 8B Lê Trực

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình, hiện đang tiến hành giai đoạn 1 việc phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, cụ thể là đã phá xong phần sàn tầng 19 và đang chuẩn bị phá dỡ các dầm, cột của tầng này. Dự kiến đến ngày 28/9 sẽ tiến hành cắt dầm, cột để hoàn tất việc cắt tầng 19 trong tháng 10.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa ra lý do chậm trễ là do công trình sát mặt đường, dân cư đông nên phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn. Hơn nữa cũng phải bảo đảm an toàn cho chính công trình vì đây chỉ là cắt ngọn chứ không phá dỡ toàn bộ…

Nghe giải thích, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng liên tục đặt câu hỏi: “Gút lại là bao giờ xong, cắt bao nhiêu tầng và còn bao nhiêu tầng?”

Ông Đỗ Viết Bình cho biết công trình 8B Lê Trực sai phạm 1 tầng, giấy phép 18 tầng, làm 19 tầng, còn cấp phép chiều cao 53 m nhưng làm 68 m, sai phép 15 m. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng lên phương án cho giai đoạn 2 – giai đoạn xử lý chiều cao.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác không hài lòng với câu trả lời này.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo Tổ công tác.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo Tổ công tác.

Tiết kiệm hơn 700 tỷ đồng từ việc cắt tỉa cây xanh

Theo Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2016, dự toán kinh phí đầu năm cho việc duy tu, cắt tỉa cây xanh lên tới 886 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 6 lần họp giữa lãnh đạo UBND Thành phố với 24 doanh nghiệp cây xanh đã thống nhất lại định mức, đơn giá. Theo đó, sẽ giảm xuống còn 178 tỷ, tiết kiệm 708 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định sẽ vẫn tiến hành cắt tỉa cây xanh, thảm cỏ, nhưng trong hơn 1 tháng qua, do tạm dừng để làm theo quy trình, định mức, đơn giá mới nên có một số tuyến đường chưa kịp cắt. “Hà Nội sẽ vẫn làm và làm đẹp hơn, nhưng tiết kiệm hơn”, Chủ tịch Thành phố khẳng định, đồng thời cho biết Hà Nội sẽ tiến hành thiết kế giải phân cách giữa ở các đường phố gồm 4 tầng cây, "một tầng cây xanh và 3 tầng cây hoa".

Một việc làm khác là chính quyền Thủ đô sẽ tiến hành hạn chế tối đa cắt tỉa cây xanh và cỏ bằng phương pháp thủ công, chuyển sang cơ giới hoá. Trước đây một máy cắt cỏ cần đến 40-50 người nhặt cỏ, nếu dùng loại máy mới cắt cỏ tới đâu gom tới đấy có thể tiết kiệm rất nhiều. Hoặc vừa rồi Hà Nội đã đầu tư máy móc mới cho công ty cây xanh, qua đó giảm chi phí cắt tỉa cây gỗ từ 4 triệu đồng mỗi cây xuống chỉ còn 700 nghìn đồng.

Về an toàn giao thông, Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết thời gian qua đã thu giữ số lượng lớn xe ba gác, xích lô, giả xe ba bánh thương binh vi phạm. Trong đó đã thanh lý 250 xe giả xe ba bánh thương binh, 57 xe ba gác, xích lô. “Song vừa qua có vụ cháu bé bị tử vong do tôn cứa cổ là rất đau lòng. Tuy nhiên đây là vụ việc hi hữu, thời gian qua, các vụ tai nạn do xe xích lô, ba gác, xe ba bánh thương binh giảm cả số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2015. Về nguyên nhân, giải pháp trong báo cáo của TP đã nói rõ”- ông Khương trình bày.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình giải trình về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình giải trình về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

‘Đừng để người ta hiểu khác’

Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao Thành phố Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Đặc biệt đáng ghi nhận là Hà Nội đã quyết liệt triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Khi Thủ tướng dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Nội, cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố đều khẳng định phải bỏ ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu”. Tinh thần này thể hiện ở ngay cả những việc như mạnh dạn bỏ lệnh cấm kinh doanh sau 22 giờ đêm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, những động thái mạnh mẽ này của Hà Nội cần được ủng hộ. 

Với 4 vấn đề Thủ tướng yêu cầu làm rõ, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu Hà Nội phải triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; chống buôn lậu,  hàng giả, gian lận thương mại; bảo đảm an toàn giao thông. “Như tình trạng xe dù, bến cóc, xe ba gác cồng kềnh để xảy ra tai nạn thương tâm, người dân vẫn kêu ca, phàn nàn, lo lắng, thì phải có biện pháp mạnh hơn”, Bộ trưởng yêu cầu.

Riêng về việc duy tu, cắt tỉa cây xanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc tiết kiệm được 700 tỷ đồng là hết sức đáng mừng, đề nghị báo chí và dư luận hết sức ủng hộ.

Đặc biệt, với vụ nhà 8B Lê Trực, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở. “Công trình vi phạm cả số tầng và chiều cao, nhưng quan trọng là chiều cao. Phải lên phương án tổng thể cắt chiều cao công trình này, có thời hạn hoàn thành cuối cùng, chứ nói bây giờ đang cắt tầng, sắp tới trong năm 2017 sẽ xử lý chiều cao thì không hay. Đừng để người dân hiểu khác đi”, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận qua rà soát, Hà Nội đã có thêm 2 nhiệm vụ đã hoàn thành dù chưa báo cáo, như về chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới quy mô, vị trí, ranh giới khu vực đất dành cho Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới tại Đông Anh. Như vậy, Hà Nội còn 7 nhiệm vụ quá hạn, nhưng cần lưu ý cũng có nhiều nhiệm vụ sắp quá hạn.  

Về kiến nghị của Hà Nội liên quan tới phần mềm theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Vụ Văn thư Hành chính - VPCP ngay trong tuần này làm việc, hỗ trợ UBND Thành phố.

Còn về những kiến nghị liên quan tới những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sắp tới. Tinh thần là hết sức ủng hộ Thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, như nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của các Bộ có thể phân cấp, ủy quyền cho UBND Thành phố quyết định.

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ công tác của Thủ tướng 'truy' Hà Nội nhiều vấn đề nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO