Tính khả thi của “chống” rửa tiền trong bất động sản

02/08/2019 11:17

(TN&MT) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy...

 

(TN&MT) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Sở xây dựng các tỉnh, thành phố đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Các doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật, phải thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, chống rửa tiền, lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên.

rua tien EZHR
Ảnh minh hoạ 

Nhiều quan ngại hoạt động rửa tiền trong bất động sản

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.

Cụ thể, theo báo cáo thị trường của CBRE năm 2018, trong phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang, thì tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%, đầu tư ngắn hạn chiếm 13%, khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%, đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, thì tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.

"Hiệp hội nhận thấy, trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20-30%, phân khúc bình dân khoảng 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường BĐS", HoREA lo ngại.

Theo Báo cáo của Ngân hàng nhà nước về kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, đối với lĩnh vực BĐS, nguy cơ rửa tiền là cao bởi thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Không dễ kiểm soát

TS. Nguyễn Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc quản lý các giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng là nhằm phòng chống rửa tiền, nếu cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm thì sẽ làm được. Đây là nhu cầu tất yếu mà hiện nay chúng ta đã buông lỏng.

“Chúng ta đừng quá nhấn mạnh về việc làm khó cho thị trường bất động sản hay giao dịch về nhà ở. Còn vấn đề nó có khả thi hay không thì phụ thuộc vào chế độ báo cáo của các doanh nghiệp và các sàn giao dịch bất động sản”, ông Ánh nhấn mạnh.

Để quản lý được hoạt động giao dịch này, theo TS. Ánh, khi ban hành, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin, đồng thời làm rõ nguyên nhân tại sao các đơn vị không thực hiện, mức độ nghiêm túc như thế nào.

“Bộ Xây dựng thay vì phải có hệ thống thông tin nắm tình hình thị trường bất động sản thì có thể qua hoạt động báo cáo giao dịch từ 300 triệu đồng này để thu thập thông tin về thị trường bất động sản một cách chính xác hơn”, TS. Ánh nói. 

Trao đổi với PV, TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, kinh tế ngầm là nền kinh tế song hành với nền kinh tế chính thức. Các hoạt động kinh tế ngầm, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hiện đang phát triển rất mạnh. Mặc dù, Chính phủ đang kiểm soát kinh tế ngầm ngoài mục đích làm giảm thiểu những rủi ro cho nền kinh tế thì đây còn là biện pháp giúp Việt Nam chống tham nhũng hiệu quả hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực BĐS, nếu các hoạt động ngầm trong giao dịch BĐS được kiểm soát thì sẽ kiểm soát được hiện tượng rửa tiền trong lĩnh vực này.

Để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, ông Hiếu cho rằng, các quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính khả thi của “chống” rửa tiền trong bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO