Hoạt động nghệ thuật đặc biệt này, nằm trong một chuỗi các sự kiện văn hóa chào đón năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại Thủ đô. Đây cũng là triển lãm lần đầu tiên do nhóm họa sĩ G39 phối hợp Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tổ chức.
Mục đích hướng tới của chương trình lần này là góp phần tôn vinh các giá trị nghệ thuật độc đáo của các sản phẩm được tạo lên từ hai chất liệu truyền thống của Việt Nam là gốm sành Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc và giấy dó làng Dương Ổ, tỉnh Bắc Ninh. Sự kết hợp tinh tế giữa 2 trường phái: Một dòng “thử nước” là giấy dó và một dòng “thử lửa” là gốm từ đất sét nung.
Điểm nhấn khác của triển lãm là việc trưng bày, giới thiệu tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân. Ngoài ra, “Sắc dó và gốm Hương Canh” giới thiệu tới công chúng những tác phẩm của các nghệ sĩ nhóm G39 Hà Nội: Lê Thiết Cương, Ngô Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Trần Quân, Tào Linh…
Bên cạnh đó, ý nghĩa của buổi triển lãm còn mang tới cho những người yêu tranh nghệ thuật, yêu gốm sành sứ thông điệp về ứng xử với vẻ đẹp truyền thống trong đời sống hiện đại. Truyền thống là một giá trị và cần được tôn trọng, nhưng nhìn lại, học hỏi truyền thống để làm mới truyền thống là cách tôn vinh có ý nghĩa nhất đối với 2 loại hình nghệ thuật tiêu biểu này của dân tộc.
Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ: Khác với “Hợi dome”- một triển lãm với bảng màu dương tính bắt mắt, rực rỡ, “Sắc dó và gốm Hương Canh” mang nhiều chất âm hơn. Các tác phẩm đơn sắc (mực nho vẽ trên giấy dó màu ngà hay tác phẩm điêu khắc, đi nét trên bình gốm, lọ gốm sành Hương Canh với màu chủ đạo đỏ nâu) mang vẻ đẹp giản dị, tinh tế, đem đến cho người xem cảm giác về sự thâm trầm, lắng đọng, suy tư trước thời khắc chuyển giao.
Giống như loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản, giấy dó Việt Nam mộc mạc, mỏng manh nhưng mang hồn dân tộc, chứa đựng những giá trị lịch sử từ ngàn xưa. Mặt khác, tính dai, độ bền, hút ẩm tốt của giấy dó tạo cho loại giấy này sự độc đáo, khác biệt. Trong khi đó, gốm Hương Canh lại là những sản phẩm mang đến sự tinh túy nghệ thuật, vừa giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, khỏe khoắn.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn – Làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vùng đất Hương Canh từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm sành và cũng là làng gốm cổ lâu đời vùng trung du Bắc Bộ với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén... có độ bền cao, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của con người. Gốm sành Hương Canh ngày nay không chỉ đơn thuần là những mặt hàng thô sơ mà ngày càng tinh xảo, trở thành cái hồn của quê hương, gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại.
Với hơn 300 năm tuổi đời, làng gốm Hương Canh chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống của người dân địa phương, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Điểm đặc sắc ở làng gốm chủ yếu là loại đất sét xanh đặc trưng của vùng miền, đây cũng chính là chất liệu để làm ra sản phẩm.
Ưu điểm của loại đất sét xanh nguyên chất thường có độ mịn và độ dẻo, độ béo rất cao, nên sản phẩm giống như đã được tráng men. Sản phẩm gốm được tạo ra từ loại đất này nên có chất lượng vượt trội, ngăn được sự thẩm thấu, ngăn ánh sáng... Tất cả đã tạo lên nét đặc trưng khác biệt của làng gốm truyền thống nơi đây.