Tôn vinh Mẹ và các anh hùng dân tộc
Theo sử sách ghi lại, thờ Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt cổ. Với khái niệm tôn thờ Thánh Mẫu, hay nữ thần Mẹ, tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng tính nhân văn, nghệ thuật và khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Từ xa xưa, trong rừng sâu, những con thú rất dữ tợn, bạo tàn mà vẫn vâng lời mẹ Núi. Sóng, gió có thể hung dữ nhưng phải quy phục mẹ Biển. Từ đó ra đời sự tôn thờ mẹ Rừng, mẹ Nước, rồi thêm mẹ của Trời. Các bà mẹ được ghép với các huyền thoại, sự tích để rồi trở thành Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Thiên. Người ta dành cho mỗi bà một phủ, một tòa riêng. Tam tòa ở đây có thể hiểu theo ba cõi Trời, Non, Nước. Vì thế xuất hiện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - Tam tòa Thánh Mẫu. Sau này, có thêm Địa phủ trở thành Tứ phủ.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, chế độ phong kiến suy yếu, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra triền miên. Lúc này, người dân mong ước có một sức mạnh kỳ diệu để giải phóng con người ra khỏi một xã hội rối loạn. Vì thế, họ mong có một Mẫu ở cõi nhân sinh mà sự hiện diện của bà ở khắp mọi nơi để che chở con người. Họ mong muốn nhân vật Thánh Mẫu có thân phận như một người phụ nữ bình thường.
Vừa là nhu cầu phát triển, vừa là khát vọng của nhân dân, tín ngưỡng thờ Mẫu đã thờ thêm một Mẫu mang tính phổ biến, đó là Mẫu Liễu Hạnh. Quan niệm dân gian coi Bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên (vì bà là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế) và có lúc là Mẫu Địa. Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nâng lên một trình độ cao hơn và toàn diện hơn.
Ngoài việc đề cao người Mẹ, tục thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những anh hùng đã chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Ý nghĩa nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc được thể hiện rất rõ trong những giá hầu đồng, rất nhiều nhân vật trong 36 giá hầu đồng chính là những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, quan lớn Triệu Tường…”.
Nghi lễ hầu đồng - giá trị văn hóa dân gian
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng. Đó là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Đó còn là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, một vấn hầu đồng thực chất là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh, trong đó có diễn viên là thanh đồng, các nhạc công là cung văn. Hầu đồng có hai loại. Một là người có sức khỏe yếu kém, cuộc sống không được như ý, họ phải ra “trình đồng” để cho nhẹ bệnh, cuộc sống bớt khó khăn. Còn bây giờ, có thêm một dạng nữa gọi là “đồng đua”, là những người ra đồng để giải tỏa dồn nén, ức chế trong con người của thời kinh tế thị trường. Mỗi năm, cứ Xuân Thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 Âm, các thanh đồng lại nô nức đi trả lễ.
Phủ Dầy (Nam Định) được coi là "đại bản doanh" của các thanh đồng, hay Công Đồng Bắc Lệ ở Lạng Sơn cũng được coi là “thủ phủ” của những người hầu đồng. Ngoài ra, đền Mẫu Đông Cuông Tuần Quán (Yên Bái), đền Sòng Sơn, đền Cô Chín Giếng, đền Cô Bơ (Thanh Hóa), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền Ông Hoàng Bẩy (Lào Cai), đền Trần (Nam Định), đền Rừng, đền Núi, đền Mẫu Thoải (Gia Lâm - Hà Nội)… cũng là nơi các thanh đồng thường xuyên về đây để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh".
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - người tham gia dịch hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sang tiếng Anh đã giải thích vì sao Nam Định được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan thực hiện hồ sơ. Đó là bởi Phủ Dầy được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những nơi lưu dấu vết giáng thế như Phủ Dầy, Phủ Nấp.
“Đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ hầu đồng. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng… người Việt đã thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe” - PGS. TS Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Hướng đến sự giải tỏa tâm lý con người
Để hiểu hơn về nghi lễ hầu đồng, tôi theo chân một nhà nghiên cứu xã hội để tới dự một buổi hầu đồng tại Đền Mẫu Thoải (Hà Nội). Hầu lần này là “cô đồng” Lê Thị Hương, người có thâm niên hơn 10 năm hầu đồng “chuyên nghiệp”. “Cô” Hương là nhân viên một Công ty TNHH chuyên về xuất nhập khẩu.
Tại đền chính, “cô đồng” Hương, khoảng gần 50 tuổi, mặc bộ quần áo lụa trắng, tất chân cũng trắng, tóc búi gọn gàng, mặt được trang điểm cẩn thận, toát lên sự đoan trang đang chuẩn bị hầu thánh. Một hầu dâng mang ra chiếc hộp nhỏ, lấy ra các loại vòng, khuyên tai, trâm đeo lên người cô Hương.
Tiếng chuông vang lên, cô Hương đưa 2 ngón tay trỏ lên phía trước múa rất dẻo, dần dần cả bàn tay xòe ra. Tiếng trống, tiếng phách rộn ràng, người cô Hương bỗng nhiên lắc lư rồi xoay vòng tròn. Đắm mình trong không gian vừa trang nghiêm vừa gần gũi này, ai cũng cảm thấy hưng phấn. Có những lúc thăng hoa, khán giả dự hầu cùng vỗ tay nhún nhảy vui nhộn như mình đang trong vai diễn. “Cô đồng” Hương như đã “thoát xác”, hai mắt sáng rực, vừa nhảy múa vừa đón nước, rượu, từ các bà hầu dâng. Đội cung văn càng về cuối càng đàn hát hăng say. Tiếng trống, tiếng phách như giòn hơn, lôi cuốn hơn.
Có một điều đặc biệt là cô Hương và các cung văn không cần phải tập luyện, hoàn toàn diễn theo ngẫu hứng mà vẫn khớp với nhau và rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Bụi trần ai dường như không còn vương vấn nơi này.
Cô Hương bộc bạch: “Nhiều người cho rằng hầu đồng là mê tín dị đoan nhưng là do đã bị biến tướng, bản chất của hầu đồng là hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ. Với tôi, sau mỗi lần ngồi hầu, tôi thấy mình khỏe mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn và đặc biệt là nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực và lạc quan hơn rất nhiều”.
Thu Hà