Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 8.665 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký là 145,2 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm trước, đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 122.338 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đang hoạt động, chiếm 87,9% số doanh nghiệp ngành công nghiệp và chiếm 15,1% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 5,9% so với năm 2019.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 8.665 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký là 145,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% về số doanh nghiệp và tăng 74,2% về vốn đăng ký so với 6 tháng đầu năm 2020.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới thuộc ngành chế biến, chế tạo trong 6 tháng là 16,8 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước (trong khi đó vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%).
Đây là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 12,9%) so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng của cả nước, ngoài ra còn có ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 33,5%) và ngành xây dựng (chiếm 12,5%).
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất với 3.240 doanh nghiệp, chiếm 12,4% tổng số doanh nghiệp quay trở lại của cả nước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng năm 2021 phục hồi khá mạnh so cùng kỳ với năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng.
Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 4.225 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể là 1.138 doanh nghiệp, tăng 29,8%.
Tuy nhiên, so sánh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cho thấy sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra, phần lớn các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn nhỏ.
Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù, dịch Covid đang diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đã thích ứng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình nên vẫn duy trì và phát triển sản xuất, làm cho sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Các biện pháp chống dịch hiệu quả cùng với tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực là những yếu tố đã tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo.
Tổng cục Thống kê dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021, số lượng đơn đặt hàng mới khả quan hơn với 83,1% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tăng và giữ nguyên so với 6 tháng cuối năm 2020. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại, có 82,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự báo khối lượng sản xuất tăng và ổn định.