Lượng khách tìm mua tăng mạnh
Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 của các công ty chuyên nghiên cứu về thị trường BĐS, do ảnh hưởng của đại dịch kéo theo giãn cách xã hội khiến mức độ quan tâm đối với thị trường Hà Nội chỉ còn bằng khoảng 40% so với tháng 3/2021. Tuy nhiên, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, thị trường Hà Nội ghi nhận xu hướng phục hồi.
Tính trong tháng 9, phân khúc đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng 2%, chung cư tăng 7%, đất nền tăng 2% so với tháng 8/2021
Dù chịu những tác động của đại dịch, giá rao bán, giá nhà đất, chung cư tiếp tục tăng. Cụ thể, giá rao bán phân khúc căn hộ cao cấp tăng 4%, từ mức giá trung bình 44,7 triệu đồng/m2 lên mức 46,3 triệu đồng/m2, giá rao bán phân khúc trung cấp tăng 5%, từ mức 33,2 triệu đồng/m2 lên mức 34,8 triệu đồng/m2. Phân khúc bình dân chứng kiến mức tăng tốt nhất là 6%, từ mức giá trung bình 24,7 triệu đồng/m2 lên mức 26,2 triệu đồng/m2.
Thị trường BĐS Hà Nội đã có sự phục hồi khi giá rao bán ở một số phân khúc, loại hình đều tăng. Ảnh: Hoàng Minh |
So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà mặt phố và nhà riêng tại một số quận nội thành đều có mức tăng đáng kể. Cụ thể, tại Hà Đông, phân khúc nhà riêng tăng 13%, nhà mặt phố tăng 17%; tại Thanh Xuân, nhà riêng tăng 11%, nhà mặt phố tăng 7%; tại Long Biên, nhà riêng tăng 13%, nhà mặt phố tăng 13%; tại Đống Đa, nhà riêng tăng 12%, nhà mặt phố tăng 9%; tại Hoàng Mai, nhà riêng tăng 14%, nhà mặt phố tăng 17%.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc một Công ty BĐS cho biết, thời điểm khó khăn nhất của thị trường là giai đoạn tháng 7 và tháng 8 khi Chính phủ áp dụng giãn cách diện rộng. Bước sang tháng 9, những tín hiệu vui từ mục tiêu tiêm chủng vắc-xin cùng thông tin tái mở cửa nền kinh tế khiến cho thị trường BĐS tươi sáng lên. Bắt đầu từ trung tuần tháng 9/2021, mức độ quan tâm BĐS của người dùng trên cả nước có dấu hiệu phục hồi trở lại. Xu hướng tìm mua nhà đất tăng trưởng gần 55% so với tháng 8 trước đó.
“Mức độ quan tâm của người dùng đối với thị trường BĐS Hà Nội phản ánh rõ những biến động thực tế của thị trường. Ngay cả trong thời điểm dịch, nhu cầu về mua bán BĐS trong dân vẫn rất lớn. Nếu trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số lượng ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vắc-xin đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế cũng như phục hồi sản xuất thuận lợi trong quý 4/2021, TP. Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung BĐS nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến, trong khoảng cuối tháng 10 tới đây, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Hội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch” - ông Quốc Anh dự báo.
Kỳ vọng dòng vốn, nguồn cung được khơi thông
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, mặc dù khó khăn nhưng thị trường vẫn đón nhận lượng quan tâm rất lớn. Trong 3 năm qua, giá ở một số phân khúc BĐS vẫn tăng, vẫn có những người sẵn sàng chi số tiền lớn để mua BĐS. Đây là tín hiệu rất tốt của thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cho thị trường, Bộ Xây dựng đang cùng các Bộ, ngành nghiên cứu chỉnh sửa Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng và Luật Đất đai. Song song, Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội.
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có khoảng 5.000 dự án bất động sản được triển khai, đã có dự án hoàn thành, nhưng còn hàng nghìn dự án đang hoàn thiện pháp lý, có thể kéo dài sang năm 2022 hoặc lâu hơn nữa mới hoàn thành.
“Trong năm nay, có 2 văn bản pháp lý sẽ được ban hành. Đó là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. Sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện, chúng tôi dự báo, thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn”, ông Khởi chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cũng chỉ ra rằng, do lượng cầu trên thị trường rất mạnh, cộng hưởng với việc nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều nhà đầu tư chuyển dòng vốn vào thị trường BĐS. Ngoài ra, thị trường BĐS cũng nhận được những tác động tích cực, như tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang được đẩy mạnh và quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động trực tiếp đến thị trường BĐS và sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường trong tương lai. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng liên tục giảm, lãi suất vay thế chấp đang ở mức thấp, cũng như nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ, thị trường BĐS sẽ bật lên mạnh mẽ ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.