PV: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia hiện đang triển khai Dự án Điều tra nước dưới đất vùng khan hiếm nước, vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước. Xin ông cho biết đôi nét về Dự án này?
Ông Triệu Đức Huy: Dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước" được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại quyết định số 3286/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2015 thuộc Chương trình "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 264/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 được thực hiện tại 426 vùng thuộc địa bàn 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bắc Bộ có 16 tỉnh, Bắc Trung Bộ 4 tỉnh, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 12 tỉnh, Nam Bộ 12 tỉnh.
Mục tiêu của Dự án là tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia thực hiện triển khai từ năm 2015, đến nay đã hoàn thành tìm kiếm được 108 vùng, thuộc 21 tỉnh. Tổng số công trình đủ điều kiện để có thể bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng là 236 công trình, với tổng lưu lượng khai thác đạt 72.720 m3/ngày. Các công trình khai thác đã được kết cấu, xây dựng kiên cố, đạt mục tiêu khai thác, sử dụng lâu dài với lưu lượng đảm bảo và chất lượng nước tốt; nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 1,2 triệu người với định mức 60 lít/người/ngày.
Toàn bộ các công trình của Dự án tại 108 vùng thuộc 21 tỉnh đã sẵn sàng để bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Hiện nay, thực trạng một số địa phương khu vực khan hiếm nước đang yêu cầu phải bàn giao sản phẩm để họ huy động các nguồn lực khác để khai dẫn cung cấp bơm nước cho dân. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên nguồn nước ngầm tìm kiếm chất lượng rất tốt, cơ bản bơm lên là có thể sử dụng được. Vì thế, một số vùng khan hiếm quá họ đã chủ động xin lắp máy bơm để bơm nước lên cho nhân dân sử dụng.
Việc tìm kiếm ra nguồn nước có công suất lớn phục vụ cho một cụm dân cư hoặc nhiều cụm dân cư có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định an ninh kinh tế, dân cư. Tuy nhiên, để chương trình được thành công toàn diện cần sự huy động nguồn lực xã hội và sự phối hợp quyết liệt của các Bộ, ban ngành mới có thể sớm đưa những nguồn nước này phục vụ dân sinh.
Bởi lẽ, đây là một chương trình rất khó khăn để có kết quả tốt phải triển khai một cách bài bản, làm tới đâu chắc tới đó. Trước hết, những vùng lựa chọn thực hiện dự án đều là những vùng cực kỳ khó khăn về nguồn nước, cơ bản không có nước mặt hoặc nguồn nước mặt không thể sử dụng được. Thêm vào đó, việc tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất, lưu giữ được dưới các tầng đá cũng vô cùng khó. Có những vùng trong đề án chỉ duyệt 3 lỗ khoan yêu cầu đặt ra là phải có nước; nhưng có khi đơn vị thi công phải làm đến 5 đến 7 lỗ khoan. Có nghĩa là tỷ lệ rủi ro rất lớn, trong khi yêu cầu cao (phải có nước mới đảm bảo được). Mặt khác, việc vận chuyển, cung cấp nước cho quá trình khoan cũng hết sức vất vả.
Để khơi thông nguồn nước phục vụ đến từng nhà cần có sự phối hợp của Bộ ngành (cụ thể là Bộ NN&PTNT), địa phương, huy động các nguồn lực xã hội. Hơn nữa, ở những vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để huy động được nguồn lực xã hội cũng cần phải có những ưu đãi về thể chế, chính sách mới thu hút được nhà đầu tư.
PV: Điều tra nước dưới đất tại các đảo hiện còn nhiều khó khăn. Ông có thể cho bạn đọc biết những khó khăn đó và giải pháp khắc phục là gì, thưa ông?
Ông Triệu Đức Huy: Việc điều tra, đánh giá và tìm kiếm các nguồn nước trên các đảo đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, đến nay về cơ bản chúng ta đã có số liệu điều tra sơ bộ về tài nguyên nước trên 20 đảo lớn nhỏ. Bước đầu đã tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn nước này đặc biệt là nước ngầm cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng ở các khu vực trọng yếu này. Tuy nhiên, việc điều tra, đánh giá chi tiết các nguồn nước này để có phương án khai thác sử dụng hợp lý và đầu tư có hiệu quả để phát triển các nguồn nước trên đảo chưa được đầu tư đúng với giá trị của nó. Nhiều nguồn nước sau khi tìm được nhưng do chế độ khai thác, đầu tư công trình không thỏa đáng nên sau một thời gian đã xuống cấp, cạn kiệt dẫn đến không khai thác sử dụng được và lãng phí.
PV: Tìm được nguồn nước ngọt đảm bảo cho sinh hoạt của bà con vùng đảo đã khó nhưng việc giữ được nguồn nước này lại càng khó khăn. Vậy theo ông, “hậu tìm nước” ở các đảo cần phải tiến hành những công việc gì để đảm bảo nguồn nước mãi dồi dào và người dân trên đảo không còn “khát”?
Ông Triệu Đức Huy: Việc tìm kiếm được các nguồn nước ngọt trên các đảo là hết sức khó khăn nhưng việc khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước này gặp rất nhiều thách thức như: Đầu tư khai dẫn hệ thống cấp nước cho nhân dân chưa được quan tâm; Quản lý chế độ khai thác chưa hợp lý nên nhiều công trình sau một thời gian khai thác bị mặn; Bảo vệ nguồn sinh thủy (nguồn cấp) không đảm bảo nên bị cạn kiệt. Để có thể khai thác, sử dụng bền vững các nguồn nước được biệt là nước ngầm trên các đảo hiện nay cần phải đầu tư điều tra, đánh giá chi tiết và việc xây dựng các cụm công trình khai thác phải song hành các giải pháp bảo vệ nguồn nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!