Thông tin cần biết

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đồ uống

Quyết Thắng 15/03/2024 23:46

Nhiều giải pháp kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đã được chia sẻ tại Hội nghị “Gặp mặt các doanh nghiệp hội viên VBA” do Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam (VBA) tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội.

Chồng chất khó khăn với ngành đồ uống

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, trong mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự giảm sút mạnh từ doanh thu, lợi nhuận, kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều ghi nhận chịu tác động gián tiếp cũng giảm khá cao từ 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.

pgs.ts-nguyen-van-viet-chu-tich-vba-phat-bieu-khai-mac-hoi-nghi..jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo ông Việt, chính sách quy định nồng độ cồn, siết chặt quản lý, kiểm soát nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 cũng khiến việc tiêu dùng giảm mạnh, đặc biệt là ở kênh nhà hàng, quán ăn. Hiệp hội luôn ủng hộ các quy định, chủ trương đúng đắn của nhà nước trong việc phòng chống việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn như hiện nay đã và đang tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều giảm.

Nhiều doanh nghiệp đồ uống đã bày tỏ quan ngại với một số chính sách đã và sắp được thực thi. Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) cho rằng cùng một lúc nhiều chính sách, quy định được điều chỉnh có thể gây ra sự chồng lấn và tạo thêm nhiều gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Còn ông Lâm Du An, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thì lo ngại nếu tính định mức chi phi tái chế (Fs) như trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng, chai bia tăng thêm 51 đồng.

cac-dai-bieu-tham-gia-toa-dam-tich-cuc-thao-luan-ve-nhung-co-che-chinh-sach-va-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-nganh-do-uong..jpg
Các đại biểu tham gia Tọa đàm tích cực thảo luận về những cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đồ uống.

Sau Covid-19, Chính phủ các nước đều thực hiện nhiều chính sách kích cầu như miễn giảm thuế, lãi suất ưu đãi,…Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp ngành đồ uống nằm ngoài những chính sách đó. Không những vậy, các doanh nghiệp đồ uống còn chịu tác động của các cơn gió ngược từ bên trong bên cạnh những tác động từ bên ngoài như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, phí tái chế... Bà Nguyễn Thanh Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam nhấn mạnh.

Các chính sách cần có sự ổn định và dựa theo bối cảnh hiện tại

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, người dân doanh nghiệp còn khó khăn, giải pháp bây giờ cần khoan thư sức doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường và mở rộng hơn. Các chính sách dự kiến sửa đổi thời gian tới cũng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng thời điểm trong bối cảnh hiện nay.

Ở góc độc nhà doanh nghiệp, ông Lâm Du An, kiến nghị năm 2024 - 2025, chỉ nên tập trung vào hướng dẫn thi hành trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chưa áp dụng xử phạt đối với doanh nghiệp. Về giới hạn nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, đại diện Sabeco đề xuất nên đưa ra một giới hạn xử phạt. Ví dụ như ở Nhật Bản là từ 0,15 – 0,25miligam/1 lít khí thở, ở Pháp là từ 0,15 – 0,4 miligam/1 lít khí thở.

dai-dien-doanh-nghiep-do-uong-kien-nghi-cac-giai-phap-ve-thue-tieu-thu-dac-biet-va-phi-tai-che..jpg
Đại diện doanh nghiệp đồ uống kiến nghị các giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt và phí tái chế.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Đối ngoại SPVB, các chính sách cần có sự ổn định và có thể dự đoán trước để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, vì vậy việc đối thoại chính sách rất quan trọng và cần tăng cường hơn nữa để các bên có được tiếng nói chung. Đại diện Bia Carlsberg Việt Nam thì bày tỏ mong muốn sự công bằng đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành đồ uống nói riêng, các chính sách cần có sự ổn định và xem xét ban hành chính sách theo bối cảnh hiện tại.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Các chính sách ban hành cần phải kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống. Xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Ngành đồ uống và các doanh nghiệp luôn cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường, ổn định an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đồ uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO