Được biết ngày 20/12/2021, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng – Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì họp nghe báo cáo về việc đề xuất xây dựng công trình tạm phục vụ dự án tổ hợp TTTM tại khu vực chợ Sắt từ chủ đầu tư May-Diêm Sài Gòn.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự họp và xem xét đề nghị của Sở Công thương tại Văn bản số 3042/SCT-QLTM ngày 20/12/2021, Chủ tịch UBND thành phố đã có kết luận chỉ đạo, đồng ý cho Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn xây dựng công trình tạm tại khu đất số 20 đường Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An. Công trình tạm phục vụ di chuyển các hộ đang kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay trong thời gian khoảng 3 năm để giải phóng mặt bằng xây dựng Dự án tổ hợp TTTM mới tại khu vực chợ Sắt.
CTCP May-Diêm Sài Gòn tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng công trình tạm trên, không tính vào tổng mức đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành, Công ty May-Diêm Sài Gòn chịu trách nhiệm điều hành hoạt động quản lý các hộ kinh doanh tại địa điểm trên, không thu tiền thuê mặt bằng của các hộ kinh doanh trong khoảng 3 năm. Các khoản phí, lệ phí khác được thu theo quy định. Chủ đầu tư hoàn thành việc chuyển các hộ kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay sang địa điểm trên trước ngày 1/3/2022.
Bà con tiểu thương tại chợ Sắt treo băng rôn kiến nghị, đòi hỏi quyền lợi và thông tin rõ ràng từ UBND TP Hải Phòng |
Sau khi nhận được thông tin di dời, các hộ kinh doanh và tiểu thương kinh doanh tại chợ Sắt có treo băng rôn trên cổng, tường chợ Sắt, trên một số cây xanh quanh chợ với nội dung, đề nghị thành phố xây dựng chợ kinh doanh ổn định lâu dài. Đề nghị thành phố gặp gỡ, đối thoại với bà con chợ Sắt…
Nhiều tiểu thương chợ Sắt cho biết, bà con lúc nào cũng chấp hành Luật pháp của nhà nước và ủng hộ Chủ trương của thành phố. Đồng thời đề nghị thành phố Hải Phòng cử cán bộ xuống chợ để tiếp dân, để giải thích cho bà con hiểu rõ chứ không thể đơn giản chỉ một bản thông báo đưa ra, đến tháng 3 bà con phải chuyển sang chợ tạm.
“Một cửa hàng như thế này, cách đây hơn 20 năm chúng tôi phải bỏ 130 triệu để mua, giá lúc đó bằng một căn nhà mặt đường Quang Trung. Giờ chuyển chúng tôi sang chợ tạm trong 3 năm, vậy sau 3 năm thì đuổi bà con ra ngoài hay sao?. Lúc đó bà con về đâu đi đâu? Đó là vấn đề mấu chốt. Bà con ủng hộ thành phố nhưng phải có văn bản rõ ràng, sau 3 năm thì như thế nào?” - Ông H.V.Khánh bức xúc.
Bức xúc không kém, anh N.T.Tùng – kinh doanh điện máy trong chợ Sắt cho biết, bà con đã thuê luật sư để đòi hỏi quyền lợi. Chúng tôi chỉ muốn một nơi có thể kinh doanh ổn định lâu dài, chợ tạm tại số 20 Trường Chinh có thời hạn 3 năm, trong khi chúng tôi đã kinh doanh hơn 30 năm nay, rồi chúng tôi sẽ đi đâu về đâu. Trước đây gia đình chúng tôi phải mất 20.000 USD để mua 2 quầy mặt đường, giờ không thể nói đi là đi được.
Theo anh Tùng, tại tầng 1, tầng 2 của chợ Sắt có khoảng hơn 200 hộ kinh doanh. Đến thời điểm này, chỉ mới nhận được thông báo về thời gian di chuyển sang chợ tạm chứ gia đình anh chưa biết bên đó có bao nhiêu gian hàng, diện tích mỗi gian rộng bao nhiêu, có đủ chỗ cho tất cả mọi người hay không ?
Chị Đ.T.M Thùy – kinh doanh điện máy trong chợ Sắt cho biết, gia đình chị kinh doanh tại chợ Sắt đến nay cũng đến hơn 30 năm (từ thời bố mẹ). Hiện tại, cả gia đình hơn miệng ăn trông vào quầy hàng trong chợ, còn chưa nói đến những người làm công.
“ Chúng tôi đã kinh doanh ở đây từ lâu, nếu thành phố có chủ trương phải họp bà con lại để lắng nghe nguyện vọng, xem phương án như thế nào, nhưng không có một cuộc họp nào với tiểu thương, họ chỉ thông báo trên loa đến ngày hôm đó (1/3) là di dời chuyển sang chợ tạm thì ai người ta chấp nhận. Bà con rất bức xúc vì chợ tạm chỉ có 3 năm, chưa có phương án gì chỉ cho người dân thời gian phải di dời, mà còn không biết sang đó như thế nào, kinh doanh ra sao, không đơn vị nào quan tâm ” – Chị Thùy chia sẻ.
Về việc di dời chợ, trao đổi với PV Báo TNMT, ông Nguyễn Ngọc Tú – Chánh văn phòng UBND TP. Hải Phòng, cho biết: Sau 3 năm kinh doanh buôn bán tại chợ tạm, các tiểu thương sẽ được bố trí kinh doanh tại chợ Sắt xây mới chính thức, ngay tại khu vực chợ tạm.
Tuy nhiên, điều mà các tiểu thương đang kinh doanh chợ Sắt cần là một văn bản rõ ràng từ UBND thành phố Hải Phòng, sau 3 năm kinh doanh tại chợ tạm thì sẽ được bố trí kinh doanh chính thức, lâu dài tại đâu ?. Bên cạnh đó, các hộ dân còn băn khoăn, với gần 500 tiểu thương tại chợ Sắt, liệu chợ tạm có xây dựng đủ gian hàng cho tất cả mọi người hay không ?
Trước đó, CTCP May-Diêm Sài Gòn đã trở thành nhà đầu tư Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại tại chợ Sắt theo Quyết định số 3232/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng. Đến nay, May-Diêm Sài Gòn cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sẵn sàng triển khai dự án với việc thực hiện thủ tục ký quỹ cam kết thực hiện dự án với Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo quy hoạch, Tổ hợp TTTM, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại chợ Sắt được xây dựng trên khu đất có diện tích 15.200m², cao 40 tầng với tổng chi phí thực hiện gần 6.000 tỷ đồng. Tọa lạc tại phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, ngay trung tâm TP. Hải Phòng, dự án được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới về kiến trúc và kinh tế của thành phố.