Tại buổi làm việc, lãnh đạo 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Tuyên Quang đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Đoàn công tác về kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 - 2020) và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất với Tiểu ban một số nội dung như: có cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt Tiểu ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao nội dung báo cáo của các tỉnh và ý kiến đóng góp của các đại biểu xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế của địa phương và có sự liên kết vùng. Báo cáo này đã bám sát nội dung yêu cầu của Đoàn đề ra. Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả của các địa phương trong giai đoạn 2011 - 2020 đúng với nhận định, tốc độ tăng trưởng của các địa phương tương đối nhanh, chất lượng tăng trưởng khá tốt, chuyển dịch kinh tế theo hướng giảm về nông nghiệp, tăng về công nghiệp - dịch vụ khá rõ ràng; việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển có kết quả tích cực, mặc dù vẫn có sự chênh lệch giữa các tỉnh. Phó Thủ tướng đề nghị 4 tỉnh tiếp tục đánh giá kỹ hơn về việc phát triển liên kết vùng trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghiên cứu phát triển các bước đột phá chiến lược. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng ghi nhận những kết quả đã đạt được của Thái Nguyên, tuy nhiên ba tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Lạng Sơn vẫn đang ở dưới mức chỉ tiêu đặt ra… cần phải có những giải pháp để phát triển mạnh hơn nữa. Đối với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh tiếp tục đóng góp thêm, trong đó cần nghiên cứu tầm nhìn đến năm 2045.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện để phục vụ việc xây dựng văn kiện chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Buổi sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã thông tin tới cử tri dự thảo Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự kiến Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật và 2 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, và công tác giám sát,…
Các cử tri xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ đã gửi nhiều ý kiến tới Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ về một số lĩnh vực: Nâng mức hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK; xem xét điều chỉnh quy hoạch đất rừng phòng hộ chồng lấn với đất khai thác của Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên; không tinh giản biên chế với ngành giáo dục và bổ sung thêm biên chế vị trí cô nuôi cho các trường học bán trú; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế tuyến xã; thông tuyến khám, chữa bệnh đối với Người có công.v.v.
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã giải trình với cử tri một số vấn đề tại buổi tiếp xúc. Cụ thể, Phó Thủ tướng khẳng định: Việc hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn 135, xã ATK, Chính phủ đặc biệt quan tâm, luôn ưu tiên dành nguồn vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, huy động thêm nguồn vốn ODA dành cho chương trình này trên cả nước trong thời gian vừa qua. Đối với vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, nguồn lực cho giáo dục và y tế rất lớn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, do vậy việc bổ sung hay tinh giản biên chế với ngành giáo dục phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng cũng như nhu cầu thực tiễn. Về vấn đề chế độ, chính sách đối với cán bộ thôn bản, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở theo ý kiến cử tri nêu, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 34 ngày 24/4/2019, trong đó quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng đã thông tin vắn tắt những nét lớn về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tình hình thế giới, khu vực và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua tới các cử tri. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên xin tiếp thu nhiều ý kiến cử tri kiến nghị để trình lên Quốc hội trong Kỳ họp tới đây.